UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và Công ty Yến sào Khánh Hòa tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả Công điện số 595/CĐ-TTg ngày 30/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến.
Sở tăng cường công tác tuyên truyền, có biện pháp quyết liệt xử lý nghiêm nạn săn bắt chim yến trái quy định trên địa bàn; trong đó sẽ thành lập Đội kiểm tra liên ngành.
Công ty Yến sào Khánh Hòa chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để xác minh, xử lý, ngăn chặn tình trạng săn bắt chim yến trái quy định. Trước mắt, doanh nghiệp cần có kế hoạch bảo vệ đàn chim yến năm 2024.
Theo đại diện Công ty Yến sào Khánh Hòa, những năm gần đây, nạn săn bắt chim yến đang diễn ra rộng khắp tại các địa phương trong cả nước, ảnh hưởng xấu đến sự an toàn, phát triển bền vững của quần thể chim yến, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên yến sào trong nước.
Tại Khánh Hòa, nạn săn bắt chim yến trái phép diễn ra từ tháng 10/2018; ban đầu chỉ xuất hiện ở một số địa phương, đến nay phổ biến toàn tỉnh.
Để bẫy chim yến, các đối tượng dùng lưới “tàng hình” có sợi rất nhỏ, khó nhìn thấy, quấn vào hai cọc tre căng dựng thẳng đứng; đồng thời, dùng máy phát tiếng kêu của chim yến và đặt con chim yến mồi đứng giữa lưới.
Đặc điểm chim yến là khi nghe tiếng kêu và nhìn thấy chim mồi sẽ lao tới nên sẽ mắc vào lưới. Hàng ngày vào buổi sáng, các đối tượng bắt chim từ 5 - 7 giờ, khi chim rời tổ đi kiếm ăn; buổi chiều từ 15 - 17 giờ lúc chim yến trên đường bay về tổ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng giăng lưới để bẫy, bắt chim hoang dã và chim yến xuất hiện nhiều ở các địa phương như: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương, Vĩnh Thái, Vĩnh Hải, Phước Hải, Phước Đồng (thành phố Nha Trang); xã Diên Bình, Diên Hòa, Diên Xuân (huyện Diên Khánh); xã Ninh Xuân, Ninh Lộc... (thị xã Ninh Hòa). Ngoài ra, tại các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và thành phố Cam Ranh cũng có trường hợp căng lưới bẫy bắt chim yến.
Chim yến được săn bắt để bán cho các quán nhậu hoặc các cơ sở bán chim phóng sinh. Hâu quả là khi chim bố mẹ bị bắt, chim yến con bị chết đói, chết hàng loạt trong tổ ở hang yến hoặc nhà yến. Trước thực trạng trên, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thành lập Đội chống săn bắt chim yến của doanh nghiệp, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến quần thể đàn chim yến, đặc biệt là chim yến đảo; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức bảo vệ quần thể đàn chim yến trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, không được bẫy, bắt chim yến trái phép…
Theo thống kê của Công ty Yến sào Khánh Hòa, từ năm 2019 đến nay, tình trạng giăng bẫy, lưới bắt chim yến diễn ra rầm rộ khiến đàn chim trên địa bàn tỉnh suy giảm mạnh. Trung bình mỗi năm, Công tỵ phát hiện hơn 20 vụ bắt, bẫy chim yến, giải cứu hơn 3.000 con. Sau 4 năm triển khai Đội chống săn bắt chim yến của doanh nghiệp, lực lượng đã thu giữ trên 100 tấm lưới cùng các dụng cụ bẫy chim; giải cứu thả về tự nhiên gần 15.000 cá thể chim yến.
Công ty Yến sào Khánh Hòa là doanh nghiệp Nhà nước, được UBND tỉnh Khánh Hòa giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, khai thác, chế biến nguồn tài nguyên yến sào thiên nhiên trên địa bàn. Đơn vị đang quản lý 33 đảo yến với 173 hang yến tự nhiên. Bên cạnh đó, trên địa tỉnh còn có hơn 300 nhà yến của người dân nhằm kinh doanh, sản xuất yến sào.