Cụ thể, hiện 588 tàu/2.968 thuyền viên của tỉnh Khánh Hòa đang hoạt động ở các vùng biển thuộc địa bàn tỉnh, vùng biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và vùng biển Trường Sa cùng khu vực biển từ Vũng Tàu đến Kiên Giang. Đến chiều 8/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tiếp tục kêu gọi tàu, thuyền của ngư dân còn hoạt động trên biển khẩn trương trở vào bờ, hoặc tìm chỗ tránh, trú bão an toàn.
Đồng thời, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm đếm các phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, tàu du lịch, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản đang hoạt động trên biển; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển.
Theo thống kê, toàn tỉnh Khánh Hòa có 9.797 tàu cá với khoảng 33.000 lao động. Ngoài 588 tàu đang hoạt động ngoài khơi, số còn lại hiện đang neo đậu tại các cảng cá trên địa bàn. Đối với lồng bè nuôi thủy sản, toàn tỉnh hiện có khoảng 54.000 lồng/4.394 bè với 4.400 lao động.
Trong ngày 8/11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phát đi Công điện khẩn yêu cầu các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi kể từ 12 giờ ngày 10/11; ngưng hoạt động cáp treo Vinperland kể từ 18 giờ ngày 10/11. Ngư dân, hộ đang nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên biển phải trở vào bờ trước 15 giờ ngày 10/11 cho đến khi hết bão. Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh thực hiện cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong các ngày 10 và 11/11.
Đối với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở; triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng.