Tự bao giờ, thương hiệu bác sỹ Việt Nam đã trở thành bảo chứng cho niềm tin vào y đức và chuyên môn trong lòng người dân Campuchia.
Đặt trọn niềm tin
Bác sỹ Phan Vi Chet - một bác sỹ người Campuchia công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh cho hay, tâm lý của bệnh nhân Campuchia là luôn mong muốn được bác sỹ Việt Nam chữa bệnh, đặc biệt là những bác sỹ lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm, bởi họ tin vào chuyên môn của các bác sỹ Việt Nam. Thậm chí có những bệnh nhân cương quyết chỉ khám bệnh với bác sỹ người Việt Nam. “Điều này đủ thấy thương hiệu của bác sỹ Việt Nam lớn như thế nào và chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ các đồng nghiệp người Việt Nam”, bác sỹ Phan Vi Chet tâm sự.
Lý giải vì sao người dân Campuchia tin tưởng bác sỹ Việt Nam, anh So Thoeun (44 tuổi) - một hướng dẫn viên du lịch có thâm niên 11 năm đưa người bệnh Campuchia qua Việt Nam chữa bệnh, cho biết mỗi ngày có hàng trăm người Campuchia vượt đường xa tìm đến Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy là địa chỉ được nhiều người dân Campuchia tin tưởng nhất.
Theo lời kể của anh So Thoeun, trước đây một người quen của anh mắc bệnh trĩ nội rất nặng. Nghe lời giới thiệu của So Thoeun, người đàn ông này đã sang Việt Nam điều trị, được phẫu thuật cắt trĩ, chỉ phải nằm viện trong một tuần rồi xuất viện và khỏe mạnh cho đến nay. Thế nên, kể từ khi Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh ra đời, thay vì sang Việt Nam, người dân Campuchia bắt đầu tìm đến đây để được các bác sỹ Việt Nam chữa bệnh.
Đăng ký khám bệnh và theo dõi sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh, bà Srey Phirum Khun (45 tuổi, ngụ tỉnh Kampong Speu) cho biết, bà mắc bệnh tim và đã từng phải sang Việt Nam khám bệnh 3 lần. Trong một lần khám bệnh cách đây 2 năm tại Việt Nam, bà được tư vấn đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh với lời khẳng định chất lượng không thua kém Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. Sau một thời gian điều trị và theo dõi tại đây, bà vô cùng hài lòng. “Giờ thì tôi chỉ cần đến Thủ đô là có thể được bác sỹ người Việt khám bệnh, không cần phải sang tận Việt Nam nữa”, bà Srey Phirum Khun vui vẻ cho hay.
Những chuyến đi - về con thoi
Không chỉ cử bác sỹ phụ trách chuyên môn trực 24/24h tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh còn thường xuyên cử bác sỹ sang hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp.
Bác sỹ Lê Trường Chiến, Cố vấn hệ ngoại của Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh kể về trường hợp Bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân bị tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến đa chấn thương: vỡ gan, vỡ lách, chấn thương sọ não. Nhận thấy vượt quá khả năng, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh thông báo ngay với Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, 4 bác sỹ từ Thành phố Hồ Chí Minh đã lên đường sang hỗ trợ phẫu thuật.
Ca phẫu thuật đã thành công, bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục. Trong suốt 5 năm qua, đã có hàng ngàn chuyến đi - về giữa hai nước Việt Nam và Campuchia như thế. “Hễ nhận được lệnh là anh em chúng tôi tức tốc lên đường, bất kể lúc đó là ngày hay đêm, bất kể ngày làm việc hay ngày nghỉ, vì cứu người vẫn là quan trọng nhất”, bác sỹ Lê Trường Chiến chia sẻ.
Điều đặc biệt, những chuyến đi - về ấy của các bác sỹ không phải bằng máy bay hạng sang, cũng không phải là những chiếc xe cấp cứu chuyên dụng hay xe riêng của Bệnh viện, mà là những chuyến xe khách thông thường. Trước khi đảm nhận nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh (giai đoạn 2015-2016), bác sỹ Nguyễn Tri Thức từng có nhiều lần sang Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh tham gia hỗ trợ phẫu thuật trên những chuyến xe khách như thế. Sở dĩ ông và các bác sỹ thường xuyên lựa chọn xe khách để đi lại, bởi đây là loại hình vận chuyển khá tiện lợi mà giá lại rẻ.
Chỉ từ 180-200 ngàn đồng/lượt, 6 tiếng sau các bác sỹ đã có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh để phẫu thuật cho bệnh nhân. “Có khi cuộc phẫu thuật chỉ mất 30 phút nhưng chúng tôi phải đi liên tục trong 6 giờ đồng hồ, mổ xong lại quay trở về Việt Nam bằng chính con đường ấy. Thậm chí, ngay cả Phó Giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cũng lựa chọn xe khách mỗi khi sang Campuchia công tác, nên chúng tôi cảm thấy việc này hết sức bình thường”, bác sỹ Thức chia sẻ.
Khi đất hóa “tâm hồn”
Nghỉ hưu ở Việt Nam, bác sỹ Phạm Ngọc Nguon nhận lời công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh. Ông cũng chính là bác sỹ Việt Nam đầu tiên nhận nhiệm vụ tại đây và đến tận bây giờ, dù đã có hàng trăm lượt bác sỹ, chuyên gia Việt Nam đến rồi về nhưng bác sỹ Phạm Ngọc Nguon vẫn chưa muốn rời xa nơi đây. “Bệnh nhân Campuchia hiền và lành tính lắm, họ rất thích bác sỹ tụi mình, mỗi lần gặp họ lại chắp tay trước ngực để chào một cách kính trọng, mình xúc động vô cùng”, bác sỹ Nguon chia sẻ. Thừa nhận mình cảm mến đất và người nơi đây, bác sỹ Nguon cho hay ông đang nỗ lực học tiếng Khmer để có thể giao tiếp với bệnh nhân nhiều hơn, hiểu họ nhiều hơn dù năm nay ông đã bước sang tuổi 66.
Cũng gắn bó từ những ngày mới thành lập Bệnh viện, anh Danh Rithy, Điều dưỡng trưởng, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh xem đây như là quê hương thứ 2 của mình. Với lợi thế là người dân tộc Khmer nên anh có thể trò chuyện, trao đổi với người Campuchia mà không cần thông dịch viên như một số bác sỹ, chuyên gia khác. Làm việc lâu năm tại Bệnh viện, yêu mến môi trường, cách sống của con người nơi đây, nên anh Danh Rithy đang có dự tính trong tương lai sẽ đưa cả vợ và con từ quê nhà Kiên Giang sang Campuchia sinh sống ổn định dài lâu.
“Trách nhiệm của bác sỹ là chữa bệnh cứu người dù họ là ai, có cùng màu da, tiếng nói, có là đồng bào của mình hay không” - lời tâm sự của bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phom Pênh trong giai đoạn 2015-2016 cũng chính là nỗi niềm của những bác sỹ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh trong suốt những năm qua. Và chính họ đã từng bước xây dựng nên “thương hiệu” bác sỹ Việt Nam được người dân Campuchia yêu mến.