Sáng 29/8/2019, Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, và thầy cô và học sinh trường Tiểu học Hai Bà Trưng (Phúc Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội) khởi động trồng các cây thảo dược thay thế mật gấu tại vườn sinh học trong khuôn viên nhà trường.
Dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của các thầy cô, các cán bộ kiểm lâm và những người bảo vệ động vật, các em học sinh được tự tay xới đất, nhổ cỏ, trồng cây, và tưới cây. Trên diện tích hơn 100m2 làm vườn sinh học, các em học sinh được tìm hiểu về rất nhiều loài cây thông dụng, thân thuộc nhưng vẫn có tác dụng chữa bệnh, hoàn toàn an toàn với con người mà không làm hại tới loài gấu.
Các loại cây đầu tiên được các em trồng hôm nay là các thảo dược có tác dụng thay thế mật gấu được liệt kê trong cuốn sách "32 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu” do Trung ương Hội Đông Y Việt Nam biên soạn, trong đó có một số cây thuốc rất gần gũi trong đời sống hằng ngày như nghệ, quế, ngải cứu, huyết dụ, mã đề…Từ đó, chính các em sẽ là những tuyên truyền viên tới gia đình và cộng đồng khuyến khích sử dụng các loại cây thuốc, vị thuốc thay thế tác dụng chữa bệnh của mật gấu, dần chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật và bạo hành động vật.
Việc được giao chăm tưới cây ngoài giờ học cũng là một cách giúp cho các em học sinh bồi đắp kĩ năng sống xanh, thân thiện với thiên nhiên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đây là công trình vườn sinh học trồng các loài thảo dược thay thế mật gấu thứ hai tại trường học được Tổ chức Động vật Châu Á tài trợ và xây dựng nhằm khuyến khích cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng mật gấu đã tồn tại lâu đời, nhằm bảo vệ loài gấu.
Xã Phụng Thượng, thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội rộng khoảng 6km 2 với dân số khoảng 15,000 người. Trên toàn huyện Phúc Thọ, hiện còn 160 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong 37 trang trại, chiếm đến ¼ số lượng gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại trên khắp cả nước. Chỉ tính riêng xã Phụng Thượng hiện cũng có 149 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong 33 hộ dân. Tuy nhiên, trong bốn năm gần đây, được sự ủng hộ của Chính quyền địa phương và nhiệt thành của các cấp cơ sở và sự ủng hộ của hầu hết người dân địa phương, Tổ chức Động vật Châu Á cùng với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã thực hiện vận động, tuyên truyền bảo vệ loài gấu tới từng người dân thông qua các chương trình khám sức khoẻ và phát sách, thuốc xoa bóp thay thế mật gấu miễn phí, thực hiện giáo dục trường học tại 2 điểm trường tiểu học, cũng như đối thoại với các chủ nuôi gấu với phương cách tiếp cận thân thiện, lịch sự và thực sự mong muốn thấu hiểu nguyện vọng của họ. Đầu năm nay, 2019, Tổ chức Động vật Châu Á và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã vận động thành công và cứu hộ được một cá thể gấu ngựa từ một gia đình trên địa bàn Phụng Thượng đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.