Mỗi chiều chủ nhật, người dân Hà Nội và du khách lại thấy một nhóm thanh niên cặm cụi nhặt rác xung quanh Hồ Gươm. Không chỉ làm sạch môi trường quanh hồ, một điểm vui chơi công cộng của thành phố mà điều này tác động không nhỏ đến việc thay đổi thói quen “Bạ đâu vứt đấy, tiện tay là quẳng” hiện đang khá phổ biến, nhất là trong giới thanh niên.
Những thanh niên này là thành viên của Hội nhặt rác Hồ Gươm thuộc CLB tình nguyện trẻ, với "nhiệm vụ" nhặt rác quanh hồ của Hà Nội.
Khách... làm gương
Mọi chuyện "khởi đầu" lại là những người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội. Họ là những người Nhật, Hàn Quốc, tập hợp nhau tham gia vào việc nhặt rác quanh Hồ Gươm, làm sạch môi trường. Không chỉ tại thủ đô, tại nhiều điểm du lịch khác như Hạ Long (Quảng Ninh), TP Hồ Chí Minh, Nha Trang (Khánh Hòa)… nhiều nhóm tình nguyện viên ngoại quốc cũng trực tiếp tham gia “dọn dẹp” môi trường hộ người Việt Nam.
Hoạt động tình nguyện nhặt rác còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng. |
Một trong số những người nước ngoài tham gia bảo vệ môi trường tại Hồ Gươm, ông Ninomiya, người Nhật Bản, cho biết: Công việc nhặt rác của những người trong nhóm ông xuất phát từ tình yêu dành cho đất nước, con người Việt Nam, cho thủ đô Hà Nội, đặc biệt là Hồ Gươm. Chứng kiến cảnh điểm du lịch - văn hóa nổi tiếng của Hà Nội thường xuyên ngập rác, nhếch nhác, ông và bạn bè đã huy động nhau tham gia nhặt rác quanh hồ, với mong muốn góp phần cùng bảo vệ môi trường nơi đây. Gần 2 năm qua, ông Ninomiya và bạn bè của mình đều đặn sáng chủ nhật tổ chức đi nhặt rác quanh hồ. Và công việc này vẫn tiếp tục tới hôm nay.
Với "hành trang" là túi nilon, găng tay và kẹp gắp, chị Kim Hyo Suk, sinh viên Hàn Quốc, cũng tham gia nhặt rác. Kim Huy Suk tâm sự: Từ khi đến Việt Nam, hàng tuần chị đều lên Hồ Gươm để tập thể dục. Nhận thấy khuôn viên xung quanh hồ người dân xả rác rất bừa bãi và thiếu ý thức, chị cùng một số sinh viên khác đã tập hợp tham gia dọn dẹp rác quanh Hồ Gươm và Hồ Tây. Hyo Suk bảo, công việc nhặt rác xuất phát từ mong muốn giữ cho Hồ Gươm một môi trường sạch sẽ. Chị cũng chia sẻ, mỗi khi kết thúc buổi nhặt rác, sẽ rất buồn nếu như mình thu được nhiều “chiến lợi phẩm”, bởi điều này thể hiện ý thức của người dân chưa cao.
... Và chủ nhà nỗ lực
Xuất phát hành động tốt đẹp này của những người nước ngoài, và sự "xấu hổ" vì ý thức của chính những "chủ nhân" của Hồ Gươm; nhiều nhóm, hội ở thủ đô đã được lập ra với mục đích… nhặt rác. Một trong số đó có thể kể đến Hội nhặt rác Hồ Gươm, thuộc CLB tình nguyện trẻ.
Hội được thành lập với mục đích xây dựng mô hình bảo vệ môi trường dưới phương thức tái chế phế liệu, rác thải; góp phần xây dựng một Hà Nội xanh, một Hồ Gươm trong lành, từ đó nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, hội xây dựng quỹ từ thiện từ số tiền bán các sản phẩm tái chế nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những trẻ em nghèo, những mảnh đời kém may mắn, có hoàn cảnh khó khăn.
Các buổi chiều chủ nhật hàng tuần, với trang bị túi nilon và găng tay sẵn sàng trên tay, khoảng 20 thành viên đăng ký tham gia “ngày dọn dẹp” của hội chia thành hai hướng, xuất phát từ Tháp Hòa Phong đi vòng quanh Hồ Gươm thu lượm rác thải. Từ lượng rác thu được, Hội sẽ tổ chức những buổi xử lý, tái chế một số loại rác thải vào tuần kế tiếp.
Bạn Mai Thị Thủy, phụ trách viên Hội nhặt rác Hồ Gươm, hiện là sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội, chia sẻ: “Khi tham gia nhặt rác, chúng tôi thu về rất nhiều que kem, chúng tôi tổng hợp lại rồi tái sử dụng, biến thành những món quà lưu niệm, trang trí bắt mắt để bán lấy tiền làm từ thiện. Trong năm qua, CLB đã trao quà từ thiện cho các trẻ em nghèo vùng đồng bào Lai Châu, thông qua chương trình “Cơm có thịt cho trẻ xã Pa Ủ” (Mường Tè - Lai Châu)”. Không chỉ nhặt rác tại Hồ Gươm, nhóm của tôi còn muốn nhân rộng hình thức CLB tại các điểm du lịch, lễ hội lớn tại Hà Nội, tuy nhiên việc này cần có sự ủng hộ của chính quyền địa phương các điểm có di tích danh thắng đó”.
Thật đáng mừng là hoạt động này của Hội đã được rất nhiều người dân ủng hộ. Từ những người đi tập thể dục quanh Hồ Gươm đến những người tham quan, ngắm cảnh khi nhìn thấy các bạn trẻ của Hội nhặt rác Hồ Gươm cẩn thận nhặt tất cả những bao bì bánh kẹo, que kem cho vào thùng rác thì đều có ý thức hơn. Ông Nguyễn Văn Nghị, 65 tuổi, thường tập thể dục xung quanh Hồ Gươm chia sẻ: “Tôi rất khâm phục những bạn trẻ đã có ý thức giữ gìn môi trường như vậy. Nhiều khi tôi thấy có người xả rác bữa bãi mà cũng bất bình, hy vọng họ nhìn vào đây học tập để giữ gìn môi trường chung”.
Vân Thảo, thành viên mới của nhóm cho biết: “Tình cờ, một lần thấy các bạn sinh viên tình nguyện nhặt rác, em tò mò tham gia để hiểu cảm giác nhặt rác như thế nào. Từ lần đó, dù không tham gia thường xuyên với nhóm nhưng em luôn có ý thức vứt rác đúng nơi quy định”. Đó cũng là ý nghĩa lớn nhất mà thông điệp của nhóm Hội nhặt rác Hồ Gươm muốn gửi tới giới trẻ. Đó cũng là lý do tại sao 1 năm trở lại đây, khu vực quanh Hồ Gươm luôn được sạch sẽ hơn.
Nhặt rác hay tái chế rác dù gì đi nữa vẫn chỉ là công việc xử lý phần ngọn. Những người nước ngoài, những bạn trẻ hăng hái tham gia tình nguyện sẽ không thể làm mãi những công việc “phi lợi ích” như vậy. Điều quan trọng là cần phải biết xử lý phần gốc. Phần “gốc” đó chính là ý thức của người dân. Trước mắt là thu dọn rác thải, nhưng ngay sau đó là phải tác động vào ý thức người dân, loại bỏ tình trạng “xả rác bừa bãi” của người dân thủ đô nói riêng, của người dân cả nước nói chung. Sau nhặt rác, mọi người cần biết cách bỏ rác đúng chỗ, để công việc nhặt rác không còn là của riêng ai.
Bài và ảnh:Vân Ly- Xuân Minh