Sau những ngày nghỉ Tết nông dân khắp nơi lại hối hả xuống đồng chuẩn bị cho mùa vụ mới. Năm nay, do thời tiết lạnh nên thời vụ xuân muộn hơn mọi năm nhưng bà con vẫn khẩn trương làm đất, dọn cỏ, chuẩn bị lấy nước cho đồng ruộng bước vào mùa vụ mới.
Xuống đồng đầu năm
Trong không khí khá lạnh đầu năm mới, nông dân ở nhiều địa phương đã xuống đồng để chuẩn bị mùa vụ mới. Trên cánh đồng xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), nhiều bà con đang tát nước mạ, dọn cỏ, bón đạm cho ruộng mạ... Một người dân thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp cho biết: “Từ ngày mùng 5 Tết tới nay, vì thời tiết rét nên hôm nào chúng tôi cũng phải ra thăm mạ. Trời rét, cây mạ phát triển chậm, bà con phải lấy nước và bón đạm để kịp thời vụ gieo cấy”.
Người dân xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), cấy lúa cho vụ đông xuân. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Còn trên cánh đồng xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng (Hà Nội), bà con lại đang nhanh chóng thu hoạch diện tích rau màu, khoai lang vụ đông còn lại để giải phóng ruộng đất, đón nước chuẩn bị gieo cấy. Bên cạnh đó, bà con còn tích cực gieo mạ Xuân. Ông Lê Văn Chính, Chủ nhiệm HTX Đồng Tháp cho biết, toàn xã gieo cấy 50 ha lúa, trong đó 100% diện tích cấy giống ngắn ngày nên bà con đang bắt đầu gieo mạ.
“Người dân thường gieo mạ sân để tiện chăm sóc. Chúng tôi cũng hướng dẫn bà con tuân thủ các kỹ thuật che phủ ni lông để chống rét cho mạ, đảm bảo đủ mạ cấy cho mùa vụ mới”, ông Chính cho biết.
Năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều đợt rét đậm kéo dài. Do vậy, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã gửi công văn cho các địa phương yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc chống rét cho cây trồng, đối với diện tích mạ sớm thì phải tích cực thực hiện các biện pháp chống rét như: Che phủ ni lông, giữ nước ấm chân ruộng 2 - 3cm, bón thêm ka li và tro bếp. Đối với lúa đã cấy phải đảm bảo đủ nước, không được bón đạm, bón thêm ka li để tăng khả năng chống rét. Nếu thời tiết dưới 15 độ C thì không được cấy.
Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với các công ty giống chủ động cân đối nguồn giống để phục vụ trà xuân muộn. Phải có kế hoạch cung ứng dự phòng để bù đắp diện tích mạ bị chết.
Sẵn sàng lấy nước
Vụ xuân 2012, 12 tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ có kế hoạch gieo cấy 670.000 ha, chiếm trên 1/5 diện tích vụ đông xuân cả nước và chiếm từ 60 - 70% sản lượng lương thực cả năm của toàn vùng. Do khó khăn về nguồn nước, vụ xuân năm nay chỉ tiến hành xả nước hai đợt, ít hơn một đợt so với mọi năm. Do đó, các địa phương có phương án chủ động đón nước, đảm bảo sản xuất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ xuân 2012, Bộ đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hai đợt xả nước để bà con lấy nước về đồng ruộng. Đợt xả nước đầu tiên diễn ra từ 16 đến 20/1 các địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị cho đợt xả nước lần 2, từ ngày 30/1 đến hết ngày 7/2.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương lấy và trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp và các kênh dẫn; đồng thời triển khai lắp đặt các trạm bơm dã chiến để lấy nước và dẫn nước vào ruộng, ngay cả trong trường hợp lưu lượng dòng chảy suy giảm và mực nước bị hạ thấp, không để phát sinh thêm nhu cầu xả nước ngoài 2 đợt xả này.
Các công ty thủy lợi cho biết, đã sẵn sàng để bà con lấy nước đợt hai. Để đảm bảo cấp nước cho khoảng 53.000 ha cần lấy nước trên địa bàn một số huyện của thành phố Hà Nội và hai huyện của tỉnh Hà Nam, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư thủy lợi sông Nhuệ cho biết: “Công ty đã phải lắp đặt 44 trạm bơm dã chiến với 85 máy bơm. Hiện tại, 100% trạm bơm, máy bơm hoạt động tốt, sẵn sàng đón nước về đồng ruộng”.
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cho biết, công ty cũng đã vận hành liên tục ngày đêm 25 máy bơm (công suất 330 Kw) tại trạm bơm dã chiến Bá Giang và 3 máy bơm công suất 7.700kw tại trạm bơm Đan Hoài để phục vụ cho khoảng 24.000 ha diện tích đất nông nghiệp,.
Chi cục Thủy lợi các tỉnh thành cũng đang tích cực chỉ đạo các địa phương phối hợp với các công ty thủy lợi chuẩn bị các phương án sẵn sàng lấy nước về đồng ruộng.
Ông Nghiêm Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, từ tháng 10/2011, các địa phương tại Hà Nội đã nạo vét được 2,6 triệu mét khối đất đá và lắp đặt được 90 trạm bơm với 288 máy bơm dã chiến các loại, chủ động lấy nước về đồng ruộng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố: Đảm bảo đủ các phương tiện chuẩn bị lấy nước và tăng cường lực lượng trực tại các cống, trạm bơm để vận hành công trình, sử dụng tổng hợp các phương tiện tổ chức lấy nước trữ vào ruộng, hệ thống trục, ao, đầm và các vùng trũng thấp; đảm bảo khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt là kênh dẫn nước vào cửa cống, bể hút trạm bơm; bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các bờ vùng, bờ thửa và quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để nước rò rỉ hoặc mất nước...
H.V