Trước đó, chiều 6/6, trên địa bàn ấp Phú Đức, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng), lốc xoáy đã làm nhiều căn nhà bị hư hỏng nặng và sập hoàn toàn, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tại xã Thới An Hội (huyện Kế Sách), ngày 30/5, dông, lốc làm tốc mái 2 căn nhà, hơn 1 hecta mít và làm đổ, ngã gần 30 cây lấy gỗ.
Theo ông Trần Văn Son, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Phú, địa phương phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Long Phú, Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn huyện và các ban ngành chuyên môn của huyện đã đến thăm hỏi, động viên; đồng thời, khảo sát thực tế, đánh giá mức độ thiệt hại tại các hộ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Đồng thời, địa phương cũng đã chỉ đạo lực lượng công an, quân sự và các đoàn thể xuống địa bàn giúp người dân khắc phục, sửa chữa, vận động bà con tìm nơi ở trước mắt, sau đó xã sẽ tiếp tục thống kê và kiến nghị về cấp trên xem xét hỗ trợ cho bà con theo quy định.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, tính từ đầu năm đến ngày 31/5/2022 trên địa bàn Sóc Trăng, dông lốc đã làm sập và tốc mái, gây thiệt hại 22 căn nhà (chưa tính các căn nhà của các hộ dân vừa bị ảnh hưởng) của người dân ở địa bàn các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Kế Sách, Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm. Ngoài ra, dông lốc còn làm đổ ngã 696 ha lúa của người dân ở huyện Mỹ Tú và làm 1 người bị thương (huyện Thạnh Trị).
Bên cạnh việc bị ảnh hưởng của dông lốc thì tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng diễn ra nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, sạt lở bờ sông, đường giao thông nông thôn gây thiệt hại hơn 771 mét (huyện Kế Sách). Sạt lở đê cồn với chiều dài 2.371 mét (ở huyện Kế Sách và Cù Lao Dung).
Cuối tháng 4/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung. Cụ thể, khu vực sạt lở bờ sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo nhận định, công tác tổ chức, phối hợp thực hiện giữa các ngành và địa phương khá chặt chẽ; công tác kiểm tra công trình phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão (thủy lợi, giao thông, điện lực, viễn thông...) được triển khai kịp thời, tập trung ở những địa bàn xung yếu, nguy cơ rủi ro cao.
Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai ngày càng cao. Các địa phương phát huy phương châm “4 tại chỗ” khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra góp phần phục hồi, ổn định nhanh đời sống của nhân dân. Nhất là công tác hỗ trợ đối tượng thiệt hại do thiên tai được thực hiện nhanh, kịp thời giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và sinh hoạt.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, hạn chế sự ảnh hưởng của thiên tai đến đời sống, sản xuất và tính mạng của người dân, thời gian tới cần tập trung thực hiện quyết liệt việc dự báo và có phương án ứng phó thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn nhằm chủ động phòng tránh. Đồng thời, xây dựng và củng cố các tổ, đội sản xuất trên biển để kịp thời hỗ trợ lẫn nhau khi thiên tai xảy ra; rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai, triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời khi có tình huống thiên tai.