Theo bà Khưu Thị Bé, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke Lê Vy, thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách), cơ sở có 4 phòng karaoke và 8 nhân viên, hàng tháng đều tham gia các đợt tuyên truyền của ngành chức năng tổ chức. Cơ sở luôn nhận thức rõ và thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, như, tổ chức khám bệnh định kỳ cho nhân viên, hoạt động đúng giờ quy định, kịp thời trình báo khi phát hiện các dấu hiệu liên quan đến ma túy, mại dâm tại cơ sở.
Chị Nguyễn Thị Đến, nhân viên cơ sở dịch vụ karaoke Lê Vy, thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách) cho biết, chủ cơ sở thường xuyên nhắc nhở nhân viên thực hiện tốt phòng, chống ma túy, mại dâm; quan tâm chăm lo cuộc sống cho nhân viên. Nhận thức rõ nguy hại về ma túy và mại dâm ảnh hưởng đến sức khỏe, chị luôn chấp hành các quy định phòng, chống tệ nạn xã hội của chính quyền địa phương.
Anh Thái Quang Bình, chủ nhà nghỉ Thái Sự tại thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách) cho hay, cơ sở luôn tuân thủ các quy định về đảm bảo an ninh trật tự và chủ động trình báo với cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi tổ chức hoạt động mại dâm, môi giới, bảo kê mại dâm… Cơ sở luôn cảnh giác không để nhà nghỉ làm nơi sử dụng, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Kế Sách, thị trấn có 44 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm chiếm gần 50 % cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm của toàn huyện. Hơn 3 năm nay, cứ đều đặn hàng tháng chủ cơ sở và nhân viên đều tham gia sinh hoạt mô hình “Xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm”.
Bà Phạm Thị Cẩm Nang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kế Sách cho hay, hơn 3 năm thực hiện mô hình “Xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm” địa phương không xuất hiện tình trạng phức tạp về ma túy, mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm.
Mô hình giúp cho người dân, chủ cơ sở hiểu biết hơn và chấp hành tốt các quy định về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn góp phần xây dựng thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 35% dân số toàn tỉnh. Việc nâng cao nhận thức trong phòng, chống tệ nạn xã hội luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện.
Theo ông Mã Việt Hồng, Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng thông tin, hiện tỉnh có 30 mô hình “xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm” tại các huyện, thị xã, thành phố và 4 mô hình “Tổ hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ”.
Ông Mã Việt Hồng cho hay, thực tế qua triển khai mô hình, ngành chức năng đã thực hiện tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho đối tượng có nguy cơ cao và trực tiếp làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Cách làm này từng bước hạn chế dần tình trạng tổ chức mại dâm và sử dụng ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, góp phần xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức khảo sát, thống kê các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, tăng cường phối hợp quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, triệt phá các ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về hoạt động mại dâm. Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm tỉnh tiếp tục kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động mại dâm dưới mọi hình thức.
Năm 2024, Sở tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mại dâm và các văn bản pháp luật có liên quan cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và vận động cam kết không để tệ nạn mại dâm xảy ra tại cơ sở. Sở phối hợp các ban, ngành có liên quan trong việc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm và các loại tệ nạn xã hội khác.