Hành trình cải tạo môi trường Phong Khê: Bài 2 - Cho 'màu xanh' trở lại

Ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh diễn ra trong nhiều năm, có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Trước tình trạng đó, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường tại đây.

Khi chính quyền quyết liệt

Chú thích ảnh
Xử lý nghiêm các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh). Ảnh: baobacninh.com.vn

Chỉ từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý ô nhiễm môi trường và tình trạng vi phạm đất đai trên địa bàn phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.

Đặc biệt, tại buổi làm việc với lãnh đạo phường Phong Khê vào cuối tháng 4/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu thành phố Bắc Ninh chỉ đạo tháo dỡ toàn bộ hệ thống xả thải không đúng quy định ra hệ thống công trình thủy lợi và các đường ống lấy nước mặt tại đập Phú Lâm, huyện Tiên Du xong trước ngày 30/4; đồng thời yêu cầu Công an thành phố Bắc Ninh, phường Phong Khê thường xuyên kiểm tra, giám sát không để hệ thống trên hoạt động trở lại.

Các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải và khí thải (trừ trường hợp mua hơi thương phẩm) bị đình chỉ hoạt động đến khi thực hiện xong việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, UBND thành phố phối hợp với Điện lực thành phố Bắc Ninh và các cơ quan liên quan rà soát các cơ sở sản xuất giấy tại phường xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, báo cáo danh sách với Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời ngừng cung cấp điện với các tổ chức này trước ngày 30/8/2021; ngành chức năng của thành phố Bắc Ninh làm việc với chủ đầu tư Cụm công nghiệp Phong Khê II, yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng khu xử lý nước thải tập trung xong trước ngày 30/12/2021.

Quyết tâm của tỉnh về vấn đề môi trường còn được thể hiện trong hàng loạt các buổi làm việc, kiểm tra đột xuất của lãnh đạo tỉnh tại Phong Khê. Trong cuộc họp Thường kỳ UBND tỉnh Bắc Ninh tháng 9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định, tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê thời gian qua rất nhức nhối. Vì vậy, tỉnh cần triển khai một cách quyết liệt, bài bản. Thời gian tới, UBND thành phố tập trung cao, phối hợp với chính quyền phường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử phạt nếu phát hiện các vi phạm.
 
Xử lý nghiêm sai phạm

Đánh giá về tình hình môi trường, đất đai trên địa bàn phường Phong Khê, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Phương cho biết, sau khi UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc mạnh mẽ của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND thành phố Bắc Ninh, môi trường ở phường Phong Khê đã có sự thay đổi tích cực. Các cơ sở đang thực hiện tháo dỡ các công trình vi phạm.

Tại Phong Khê, ngành chức năng đã kiểm tra 326 cơ sở, trong đó xử lý vi phạm hành chính đối với 55 cơ sở, tổng số tiền xử phạt gần 13,5 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 38 quyết định xử phạt với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xử phạt 850 triệu đồng và Công an tỉnh xử phạt 365 triệu đồng. Đồng thời, đưa ra hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 4,5 đến 9 tháng đối với hàng chục cơ sở.

Đối với việc xử lý nước thải, khí thải, chất thải, sau 4 tháng triển khai tích cực (từ tháng 5/2021 đến nay) đã đạt được những kết quả nhất định và nhận được sự đồng thuận lớn nhất của người dân và doanh nghiệp; cơ bản các cơ sở đã có ý thức thực hiện công tác bảo vệ môi trường và đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, khu lưu giữ chất thải rắn.

Trong tổng số 73 cơ sở đang sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Phong Khê I có 70 cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, 3 cơ sở đấu nối nước thải vào cơ sở khác để xử lý và có 8 cơ sở xây dựng hệ thống xử lý khí thải nồi hơi, 40 cơ sở mua hơi thương phẩm. Tại Cụm công nghiệp Phong Khê II có 59  cơ sở sản xuất, kinh doanh, có 34 cơ sở đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, 6 cơ sở có hệ thống xử lý khí thải nồi hơi, 37 cơ sở đã mua hơi thương phẩm.

Tại khu vực trong làng nghề có 194 cơ sở sản xuất, kinh doanh có 60 hệ thống xử lý nước thải đã xây dựng, trong đó có 46 hệ thống riêng biệt cho từng cơ sở và 14 hệ thống xử lý chung của 114 cơ sở đóng góp kinh phí; có 66 cơ sở được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép nộp hồ sơ môi trường và vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải.

Số lượng ống khói trong làng nghề giảm từ hơn 300 ống còn 60 ống. Môi trường không khí đã trong lành trở lại. Nước tại sông Ngũ Huyện Khê đã đạt loại B1 theo quy chuẩn QCVN 08:2015/BTNMT, các sinh vật thủy sinh như cá đã sinh sống và phát triển tốt.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải quá trình xử lý ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến đất đai trên địa bàn phường Phong Khê còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, vấn đề ô nhiễm môi trường đã kéo dài nhiều năm, các cơ sở sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, chắp vá nên giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường cần có lộ trình phù hợp. Đa số các cơ sở sản xuất sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch vi phạm pháp luật về đất đai, các quy định về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc dừng sản xuất trong thời gian dài gây áp lực, khó khăn về tài chính cho các cơ sở sản xuất giấy, từ đó tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự; một số cơ sở đã bắt đầu hoạt động lén lút vào ban đêm…

Cần có lộ trình thực hiện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết thời gian tới tỉnh tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường, cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường và cảnh quan tạo phường Phong Khê, kiên quyết không để tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này tái diễn.

Tỉnh từng bước đình chỉ sản xuất, chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời các cơ sở sản xuất ra khu sản xuất tập trung được quy hoạch theo lộ trình để đảm bảo cho các cơ sở sản xuất thu hồi vốn, có thời gian lên phương án chuyển đổi, di dời; cải thiện chất lượng môi trường nước sông Ngũ Huyện Khê, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Cầu.

Để thực hiện được điều đó, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, nhân dân tại phường Phong Khê. Đồng thời, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất xả thải ra môi trường; tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải, khí thải; kiên quyết không cho các cơ sở hoạt động khi chưa đầu tư các công trình bảo vệ môi trường; đình chỉ các cơ sở đã được vận hành hệ thống xử lý nước thải nhưng không tuần hoàn, xả nước thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời đến khu sản xuất tập trung, quy hoạch vị trí phù hợp để đầu tư, xây dựng khu sản xuất chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời đến khu sản xuất tập trung...Tỉnh cũng thống nhất phương án lộ trình dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời các cơ sở sản xuất tại phường Phong Khê theo từng giai đoạn. Cụ thể, các hộ sản xuất kinh doanh thực hiện tháo dỡ toàn bộ và một phần diện tích công trình vi phạm trước 30/11/2021 đối với các công trình có toàn bộ diện tích hoặc một phần diện tích nhà xưởng vi phạm hành lang đường Quốc lộ 18, đường sắt và công trình thủy lợi.

Những cơ sở có toàn bộ hoặc một phần diện tích đất sử dụng là đất ở, đất nông nghiệp, một phần đất ở và một phần đất nông nghiệp, đất thuê trái thẩm quyền và cơ sở sản xuất trong khu dân cư...thời hạn dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời xong trước ngày 31/12/2024. Các cơ sở tại cụm công nghiệp Phong Khê I, II phải dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời xong trước ngày 31/12/2029.

Bài cuối - Nơi sự sống được hồi sinh

Thái Hùng-Thanh Thương-Quang Nhiều (TTXVN)
Hành trình cải tạo môi trường Phong Khê: Bài 1 - Ký ức bên dòng sông chết
Hành trình cải tạo môi trường Phong Khê: Bài 1 - Ký ức bên dòng sông chết

Những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường ở phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh đã gây bức xúc và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cùng sự chấp hành nghiêm các quy định của người dân và chủ các doanh nghiệp đến nay, dòng sông Ngũ Huyện Khê đang hồi sinh mạnh mẽ; môi trường ở Phong Khê cũng đã được cải thiện rõ rệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN