Hỗ trợ tư vấn cho người nộp thuế tại Bộ phận Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế - Chi cục thuế huyện Quốc Oai (Cục thuế Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Sau một năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, các quy tắc ứng xử đã đi vào đời sống có tác động chuyển biến trong nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử của không chỉ công chức, viên chức mà cả với nhiều người dân đang sinh sống, làm việc, du lịch tại Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc của Nhà nước và cơ quan, sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học và hiệu quả; trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng; đeo, cài thẻ tên, phù hiệu, thẻ chức danh đúng quy định; cán bộ, công chức gương mẫu về đạo đức và lối sống, thực hiện nghiêm quy định về tiêu chuẩn, đạo đức của người cán bộ, công chức.
Tại nơi công cộng, cơ bản ý thức ứng xử của người dân đã có chuyển biến. Những hành vi như bày bán hàng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, xâm phạm cảnh quan, không gian tín ngưỡng, gây mất an ninh trật tự nơi công cộng, tranh giành chèo kéo du khách trong kinh doanh dịch vụ, nói tục, chửi bậy nơi đông người… đã được giảm thiểu.
Tuy vậy, sự vào cuộc của các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội chưa đều, một số cơ quan còn triển khai chậm, đối phó, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử. Mặc dù Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản tới các cơ quan trực thuộc, yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử, nhưng kết quả đạt được chưa rõ rệt, vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân gây bức xúc trong dư luận như ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa), hay cán bộ quận Thanh Xuân… Ngoài ra, bạo lực gia đình, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa, vô cảm vẫn còn xảy ra nhiều, chưa tạo được sự khác biệt giữa văn hóa người Hà Nội với các tỉnh, thành phố; công tác tuyên truyền chưa phủ khắp toàn thành phố, nội dung tuyên truyền thiếu sinh động, chưa tạo được ấn tượng về nội dung các Quy tắc ứng xử tới cán bộ, công chức và nhân dân Thủ đô. Hơn nữa, các địa phương cũng chưa có giải pháp hiệu quả để hướng dẫn đơn vị trong việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Trong giai đoạn tới, Hà Nội xác định tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nội dung Quy tắc ứng xử, đảm bảo cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan được tuyên truyền và giám sát việc thực hiện Quy tắc ứng xử. Thành phố cũng lồng ghép tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng khi tham gia giao thông trên các loa truyền thanh tại các điểm nút giao thông, tuyên truyền bảng biển tại các bến xe, nhà ga, trên xe buýt, xe khách về nội dung ứng xử tại nhà ga, bến ô tô, bến tàu, thuyền.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, mặc dù hai bộ Quy tắc ứng xử bước đầu đã đi vào cuộc sống, nhưng để tạo ra nếp sống văn hóa, các cấp, các ngành cần vào cuộc kiên trì, thường xuyên và liên tục hơn; đồng thời cần có thời gian để tạo sự đồng thuận của nhân dân. Năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chọn nội dung triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử làm trọng tâm công tác, tìm ra các giải pháp để phát huy hiệu quả trong cuộc sống.