Hà Nội: Nan giải vấn đề giải phóng mặt bằng

Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và sở, ngành mới đây về tình hình, kết quả thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011 trên địa bàn thành phố, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, công tác GPMB là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Đây là vấn đề nóng bỏng, khó khăn chung trên phạm vi cả nước. Với Thủ đô Hà Nội, lại càng khó khăn, phức tạp gấp bội.

Cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập

Ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội: GPMB đòi hỏi phải sử dụng, vận dụng tổng hợp tất cả mọi biện pháp: Chính trị, tư tưởng, cơ chế, chính sách, hành chính, pháp luật... và đặc biệt là trách nhiệm, tận tụy, sâu sát của các đồng chí lãnh đạo quận, huyện, thị xã và cơ sở. Làm tốt công tác GPMB cũng chính là một trong những giải pháp để thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả Kết luận số 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2011, UBND thành phố Hà Nội và các sở, ban, ngành của thành phố ban hành trên 900 văn bản bổ sung chính sách, hướng dẫn đôn đốc thực hiện GPMB (trung bình mỗi ngày ban hành 5 văn bản). Điều này cho thấy, chính sách GPMB tại Hà Nội còn nhiều bất cập.

Ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, cho rằng, thành phố đã cố gắng giải quyết những vướng mắc về cơ chế chính sách theo hướng bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân, kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác GPMB của huyện, ông đề nghị, cần điều chỉnh Quyết định 108/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hướng hợp lý hơn.

Ông Thư cho biết, theo quyết định trên, hiện nay gia đình nào có diện tích thu hồi dưới 40 m2 (có thể là 5 - 10 m2) được 40 m2 nhà tái tái định cư, trong khi đó có gia đình bị thu hồi 300 m2 chỉ được tái định cư 180 m2 thôi. Như thế người mất nhiều lại được hưởng ít, vì vậy dẫn đến hiện tượng “lách luật” chia nhỏ diện tích để được đền bù. Cũng theo Quyết định 108, để hỗ trợ ổn định đời sống, thì hộ gia đình nào mất 30% đất nông nghiệp được hỗ trợ 6 tháng mỗi tháng 30 kg gạo, nếu mất 70% thì được hỗ trợ 12 tháng. Nhưng trên thực tế, những hộ có 100 m2 đất nông nghiệp bị thu hồi 70 m2 thì được hỗ trợ 30 kg gạo trong 12 tháng. Nhưng có hộ 500 m2 mất 30% diện tích (tức 150 m2) thì lại được hỗ trợ ít hơn... Vì vậy, nên chăng “cứ quy ra m2 để đền bù” - ông Thư đề nghị.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Cư trú, việc nhập hộ khẩu được mở rộng, nên chủ sử dụng đất chuẩn bị phải GPMB đã cố gắng làm thủ tục nhập khẩu thêm người thân về để áp dụng quy định cứ 10 nhân khẩu ở địa chỉ GPMB thì được thêm 1 căn hộ tái định cư. Điều này cũng gây cản trở cho việc xác định nhân khẩu, hộ khẩu cư trú để áp dụng chính sách về GPMB. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Hoàng Công Hồng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, chỉ chấp nhận các trường hợp tăng nhân khẩu do phát sinh tự nhiên như lấy vợ, lấy chồng, sinh con hợp pháp mới được tính là nhân khẩu để xét bán nhà tái định cư.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

Trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã hoàn thành GPMB xong 131/1.000 dự án, với quy mô diện tích đất hơn 943 ha (bằng 89% so với cùng kỳ năm 2010), chi trả hơn 8.316 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 19.587 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí tái định cư cho 650 hộ, trong đó bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư cho 359 hộ và bàn giao đất ở cho 291 hộ. Thành phố đã tập trung xem xét, giải quyết có hiệu quả những tồn tại của các dự án đã triển khai nhưng còn có khó khăn, vướng mắc do chuyển tiếp từ cơ chế chính sách của các địa phương trước khi hợp nhất về Hà Nội, không để phát sinh thành điểm nóng, góp phần ngăn chặn không để tình hình phức tạp xảy ra, như các dự án: Khu đô thị Mỗ Lao, các khu đô thị Lê Trọng Tấn - Dương Nội - An Hưng... trên địa bàn quận Hà Đông; Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Sóc Sơn; Hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây – gói số 18; Vành đai 3 tuyến nam cầu Thanh Trì và vấn đề đất dịch vụ đối với các huyện thuộc tỉnh Hà Tây trước đây và huyện Mê Linh...

Để khắc phục những vướng mắc trong công tác GPMB, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực này.

Trước mắt, rà soát các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ; tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB thực hiện các dự án theo kế hoạch, nhất là các dự án xây dựng đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, dự án dân sinh bức xúc đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, thời gian yêu cầu của Chính phủ và thành phố. Đồng thời tập trung đẩy nhanh việc thực hiện Đề án “Xây dựng khu đô thị tái định cư” đã được UBND thành phố phê duyệt để đảm bảo sớm có các khu tái định cư chất lượng cao, đa dạng các loại hình căn hộ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thanh Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN