Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, tình trạng “tín dụng đen” diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thu hút đông đảo công nhân lao động. "Tín dụng đen" là làm gia tăng nhiều loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, nhiều công nhân lao động rơi vào bẫy "tín dụng đen" làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn tại địa phương.
Theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Chương trình phúc lợi đoàn viên, thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn và hai đối tác (Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC, gọi tắt là FE Credit và Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn HD Saison, gọi tắt là HD Saison) đã được ký kết vào ngày 7/10/2022. Thực hiện thỏa thuận, gói vay 20.000 tỷ đồng đã được triển khai đến các cấp Công đoàn, trong đó FE Credit cung cấp 10.000 tỷ đồng và HD Saison cung cấp 10.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), thực hiện gói tín dụng trên, đến tháng 3/2024 đã có 43 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố triển khai thỏa thuận hợp tác với HD Saison, FE Credit; giúp 735.000 lượt công nhân lao động được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 11.500 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu cho biết việc triển khai gói vay ưu đãi trong công nhân lao động đã phần nào giúp họ giảm bớt khó khăn, không vướng vào “tín dụng đen”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gói vay ưu đãi này vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.
Ông Đặng Tấn Đạt, Trưởng ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, tại tỉnh Bình Dương, tính đến 31/5/2024, HD Saison đã hỗ trợ 74.544 người vay với tổng số tiền giải ngân hơn 1.242 tỷ đồng. Trong đó, 1.684 người được vay lãi suất giảm 50% so với lãi suất thông thường, tổng số tiền giải ngân hơn 28 tỷ đồng. FE Credit đã tiếp xúc với hơn 3.000 doanh nghiệp và hỗ trợ 11.218 lao động vay với lãi suất giảm 50%, tổng số tiền giải ngân là hơn 286 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế ở Bình Dương, một số lao động vẫn e ngại về lãi suất của hai công ty tài chính so với các ngân hàng thương mại và Quỹ tài chính vi mô CEP. Một số nhân viên của FE Credit đã gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của khách hàng. Ngoài ra, nhiều công ty bị các cuộc gọi đe dọa từ các đối tượng "tín dụng đen" gây áp lực, dẫn đến việc không muốn cho các tổ chức tài chính vào triển khai.
Theo ông Đặng Tấn Đạt, dù các cấp Công đoàn đã cố gắng hỗ trợ triển khai gói vay, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là thu nhập thấp và lo ngại về lãi suất, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, cần có sự chỉ đạo chung từ Trung ương đến các cấp, phối hợp với tổ chức Công đoàn và Ngân hàng Nhà nước tuyên truyền và tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính tiếp cận người lao động. Đồng thời, cần thực hiện biện pháp đòi nợ đúng pháp luật, không để các tổ chức, cá nhân bên ngoài gây áp lực lên người lao động và doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời góp phần vào công tác phòng, chống "tín dụng đen" hiệu quả.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời gian tới tiếp tục triển khai thỏa thuận hợp tác ký kết giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với HD Saison; đưa các sản phẩm dịch vụ với lãi suất ưu đãi theo đúng thỏa thuận đã ký kết kịp thời, nhiều nhất tới công nhân lao động. Tổng Liên đoàn huy động sự vào cuộc của cả hệ thống Công đoàn cùng người sử dụng lao động trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi theo thỏa thuận hợp tác; phát huy hiệu quả cơ chế ba bên, nhất là hiệp hội người sử dụng lao động để cùng triển khai, đưa đến cho công nhân lao động các nguồn vốn hợp pháp, sản phẩm, dịch vụ chất lượng góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.