Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ ra đời chưa có trong tiền lệ, được xem như là phao cứu sinh đối với người gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng hiện nay, việc triển khai ở cấp cơ sở tại Hà Nội còn lúng túng, cần thêm hướng dẫn từ cấp bộ, ngành liên quan, để gói hỗ trợ sớm đến tay người dân.
Phao cứu sinh cho người nghèo
Gần 1 tháng nay, anh Thái Duy Hợp, sinh năm 1984, quê Nghệ An, đang ở trọ tại tổ 4 thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) không có việc làm. Vốn là một thợ xây làm việc tự do trên địa bàn nhưng do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để chống dịch bệnh COVID-19 nên anh phải ở nhà theo quy định.
Thời gian qua thực sự là chuỗi ngày khó khăn nhất đối với gia đình người đàn ông quê miền Trung này. Một mình anh Hợp vừa phải lo chuẩn bị cơm canh, giặt giũ quần áo cho vợ đẻ đứa con thứ 3 được hơn 10 ngày tuổi, cùng với chăm sóc cho 2 đưa con nhỏ chừng 3 đến 5 tuổi nghỉ lớp quanh quẩn ở nhà. Mới đây, gia đình anh đã được thị trấn Quang Minh hỗ trợ 25 cân gạo tẻ cho đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đồng thời, địa phương cũng đã lập danh sách anh vào theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ 62 nghìn tỷ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
“Tôi phấn khởi lắm, mong muốn sớm được xem xét nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Số tiền hỗ trợ của Chính phủ lúc này chính là phao cứu sinh cho người nghèo chúng tôi, có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra”, người đàn ông dáng khắc khổ bộc bạch.
Cách nhà anh Hợp chừng vài con ngõ là hộ ông Ngô Văn A, sinh năm 1963 tổ số 5 thị trấn Quang Minh làm nghề “xe ôm” đã dừng chạy cả tháng nay. Nhớ nghề do ở nhà lâu, rảnh việc ông cứ mang xe ra lau chùi mong đến ngày được đi làm trở lại. Ông bảo, cuộc sống hiện tại đang phải trông chờ vào ít tiền tích góp trong thời gian qua. Vì vậy, việc Chính phủ có gói hộ cho người nghèo là rất có ý nghĩa và nhân văn giúp cho nhiều gia đình vượt qua cơn bĩ cực từ dịch bệnh.
Theo ông Trần Văn Lai, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 5 thị trấn Quang Minh, hiện nay đã lập xong danh sách 108 người là lao động tự do đang bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Khi lập xong danh sách những người thuộc diện nhận trợ cấp theo Nghị quyết của Chính phủ, chúng tôi sẽ niêm yết công khai tại nhà văn hóa cho người dân tự đối chiếu, xem xét và có ý kiến. “Chúng tôi cam kết làm công tâm, đúng người đúng đối tượng để tiền hỗ trợ của Chính phủ đến đúng tay đối tượng, phát huy được tác dụng”, ông Trần Văn Lai nói.
Cấp cơ sở triển khai còn lúng túng
UBND huyện Mê Linh cho biết, để kịp thời hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng do ảnh hưởng của dịch bệnh, các cấp chính quyền huyện đã thực hiện tặng quà cho nhiều nhóm: người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo… trên địa bàn với số tiền hàng tỷ đồng. Riêng thôn Hạ Lôi trong thời gian bị cách ly 28 ngày (tính từ ngày 8/4), đã được hỗ trợ lần 1 vào ngày 13/4 là gần 30 tấn gạo, 3.000 thùng mì tôm, khoảng 15.000 quả trứng... Riêng các hộ nghèo, hộ bị bệnh hiểm nghèo ở Hạ Lôi được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ để góp phần ổn định cuộc sống.
Cùng với sự quan tâm trên, theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, ngay sau khi có Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, huyện đã có văn bản yêu cầu các xã thị trấn, các ngành liên quan, công ty doanh nghiệp trên địa bàn lập danh sách các đối tượng hưởng trợ cấp theo biểu mẫu để đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ.
Đến ngày 20/4, huyện đã hoàn thành việc thống kê nhóm người có công, người nghèo, cận nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội để gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố. Hiện khó nhất là nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) đang bị mất việc làm vẫn đang được các địa phương thống kê, rà soát.
Qua tìm hiểu trên địa bàn Mê Linh, đối tượng lao động tự do rất lớn. Riêng thị trấn Quang Minh, thống kê bước đầu đã có 2.000 lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Ông Lê Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quang Minh cho biết, hiện khó xác định đối tượng có phải lao động tự do bị mất việc từ ngày 1/4 hay không. Trong trường hợp địa phương cứ lập danh sách lên, sau này đối tượng không được xét duyệt, địa phương sẽ rất khó giải thích với người dân. “Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành thông tư hướng dẫn cho các địa phương bám vào đó, để triển khai thực hiện làm sao cho hiệu quả và quan trọng nhất là đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách.
Cùng gặp những khó khăn khi cấp cơ sở triển khai Nghị quyết 42 của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Dền, (Hai Bà Trưng) giãi bày, đối tượng thụ hưởng nhiều, thời gian thống kê ngắn, do vậy việc rà soát đối tượng nêu trên rất khó khăn. Hiện nhiều doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn đang đóng cửa, chúng tôi triển khai thông báo, văn bản tới doanh nghiệp rất khó. Để liên lạc được với cửa hàng, doanh nghiệp thời điểm này không phải ngày một ngày hai làm được.
Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, bước đầu thành phố xác định có khoảng 1,48 triệu người được hỗ trợ với số tiền dự kiến hỗ trợ gần 3.534 tỷ đồng. Đây mới chỉ là danh sách rà soát bước đầu, sau khi có hướng dẫn cụ thể từ các Bộ, ngành, thành phố sẽ tiến hành rà soát lại để sàng lọc đối tượng và tránh bỏ sót. Trong tháng 4 này, nhóm hộ nghèo, cận nghèo, người có công, diện bảo trợ xã hội có thể sẽ được nhận hỗ trợ. Còn nhóm có hợp đồng lao động, việc rà soát, lên danh sách phụ thuộc vào các doanh nghiệp.
Đối với nhóm lao động tự do, theo ông Dân, mặc dù đã có các tiêu chí nhưng qua rà soát, các địa phương còn lúng túng trong triển khai. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có hướng dẫn cụ thể thêm để các địa phương thực hiện. Đối với nhóm này, sang tháng 5 mới có thể nhận được hỗ trợ. Ngoài ra, theo ông Dân, Thành ủy Hà Nội cũng đang chỉ đạo có chính sách đặc thù cho một số nhóm như: giáo viên mầm non ngoài trường công lập, đối tượng không bảo hiểm y tế… nằm ngoài gói an sinh xã hội để có hỗ trợ riêng, nhằm góp phần ổn định cuộc sống cho người dân.