“Thông tư 04 về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế có hiệu lực từ ngày 15/4/2012 nhưng chưa áp dụng ngay. Bởi vì các đơn vị trực thuộc Bộ phải trình mức thu cụ thể lên Bộ Y tế. Tương tự, các bệnh viện khác phải trình Sở Y tế. Sau đó, Sở Y tế trình hội đồng nhân dân phê duyệt. Do đó, việc thực hiện thanh toán theo giá viện phí mới sẽ tùy theo sự phê duyệt các cấp có thẩm quyền. Dự kiến, sự điều chỉnh này sẽ được áp dụng từ tháng 5 - 7 tới, tùy từng địa phương”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời câu hỏi của rất nhiều người dân về vấn đề khi nào giá viện phí mới được áp dụng và tại sao phải điều chỉnh giá các dịch vụ y tế?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế là yêu cầu rất bức thiết, việc cần phải làm từ lâu. Giá dịch vụ y tế hiện nay được ban hành từ năm 1995, thời điểm đó chỉ tính 1 phần giá dịch vụ và một số dịch vụ được điều chỉnh giá năm 2006 cũng chỉ tính một phần. Trong khi đó, lương cơ bản tới nay đã tăng 6,9 lần, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành y tế cũng tăng theo thị trường...
“Trong cấu thành của giá viện phí có 7 yếu tố, nhưng lần này mới chỉ tính 3 yếu tố. Cụ thể, các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm...), chi phí điện nước, chi phí duy tu sửa chữa một số trang thiết bị, tức là những phần tối thiểu nhất, chưa tính tiền lương, khấu hao... Mức tăng giá dịch vụ y tế từ 2 đến 4 lần, một số ít dịch vụ tăng tương đối nhiều (hơn 6 lần)”, Bộ trưởng cho hay.
Nâng mức hỗ trợ cho người nghèo
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Trước khi ban hành thông tư điều chỉnh dịch vụ y tế, Chính phủ và cán bộ ngành y tế trăn trở rất nhiều về vấn đề giảm tác động từ việc tăng viện phí đối với người dân nghèo”.
“Hiện nay, Chính phủ đã hỗ trợ phí mua bảo hiểm cho người nghèo là 95%, cận nghèo 75%. Gần đây nhất, theo Quyết định 14/2012/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ - TTg ngày 15/10/2002 về khám, chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, thì những đối tượng này đều được hỗ trợ về chi phí ăn uống, đi lại, chữa bệnh...”, Bộ trưởng khẳng định.
Sau khi áp dụng giá viện phí mới, các cơ sở khám chữa bệnh nói chung, trạm y tế xã, bệnh viện huyện nói riêng sẽ có điều kiện được nâng cấp, ít nhất là mua sắm được dụng cụ khám bệnh cơ bản, chi phí vật tư tiêu hao được đảm bảo, bố trí được chỗ ngồi, chỗ khám chữa bệnh tương đối khang trang hơn...
Trước phản hồi cho rằng, cán bộ ngành y cần niềm nở, ân cần hơn với người bệnh bởi nụ cười đâu cần phải có tiền mới mua được, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: “Tình trạng thiếu nụ cười xảy ở một số cơ sở khám chữa bệnh, nhất là ở những nơi quá tải như: Phòng khám ngoại trú, phòng khám bệnh quá đông, chật chội, nóng bức... Một số cán bộ nhân viên còn thiếu nụ cười hay nhiều khi thái độ cũng chưa được ân cần. Bộ Y tế đã và đang triển khai mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ ngành y tế”.
Tăng cường kiểm soát lạm dụng dịch vụ, kỹ thuật
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế luôn quan tâm đến công tác kiểm soát tình trạng lạm dụng dịch vụ, kỹ thuật. Nhiều năm nay, ngành y đã triển khai việc xây dựng hướng dẫn điều trị chuẩn và quy trình chuyên môn. Trong mỗi BV đều có hội đồng chuyên môn, về thuốc và về công tác điều trị, đồng thời còn có đơn vị giám sát (giám sát viên của ngành bảo hiểm). Tại Bộ Y tế có đội ngũ cán bộ thanh tra, tại Sở Y tế các tỉnh cũng có các đơn vị tương ứng...
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ áp dụng phương thức thanh toán trọn gói theo ca bệnh (đang thí điểm) và khoán theo định suất (đã triển khai đối với 40% số bệnh viện huyện). Sắp tới, Bộ Y tế cũng sẽ “tính” tới việc thành lập một hội đồng giám sát độc lập về vấn đề này... Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế kỳ vọng tình trạng lạm dụng kỹ thuật, dịch vụ tại các cơ sở y tế dần dần sẽ được hạn chế.
“Để đảm bảo khả năng chi trả phòng khi chẳng may đau ốm, người dân cần chủ động tham gia BHYT hơn. Với mức đóng BHYT tự nguyện chỉ hơn 400.000 đồng/năm, nhưng nếu chẳng may ốm đau thì người bệnh sẽ được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh, số tiền có thể lên tới hàng trăm triệu đồng nếu sử dụng những dịch vụ kỹ thuật cao”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ thêm.
Phương Liên (ghi)