Thủ đoạn tinh vi
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng... mưa to đến rất to. Lợi dụng tình hình phức tạp này, các đối tượng buôn lậu đã dở nhiều mánh khóe, chiêu trò luồn lách để thực hiện hành vi buôn lậu trên biển.
Qua trinh sát, nắm tình hình, chiều 21/7 trên khu vực biển giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, tổ công tác thuộc Phòng Trinh sát, Hải đoàn 11 Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB) 1 đã tiến hành kiểm tra, tạm giữ tàu thủy nội địa mang số hiệu HD - 3168 đang hành trình có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, tàu HD - 3168 có 4 thuyền viên do anh Phạm Đức Hưng, 32 tuổi, trú tại xã Tân Việt, huyện Thanh Hà (Hải Dương) làm thuyền trưởng, trên tàu chở khoảng 650 tấn than cám.
Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Hưng không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa vận chuyển. Theo khai báo của thuyền trưởng, số than cám này đang được tàu HD - 3168 chở từ Quảng Ninh về Hải Dương để trả hàng thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ. Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ hợp pháp mà các lực lượng CSB vùng 1 phát hiện, bắt giữ và điều tra xử lý.
Theo trung tá Lê Văn Thụy, Trưởng phòng Trinh sát, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 quản lý vùng biển trải dài khoảng 763 km, chạy qua 10 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị - toàn bộ phần vịnh Bắc Bộ phía Việt Nam quản lý. Vùng biển này có hàng nghìn đảo ven bờ, có nhiều cảng biển lớn, nhỏ là cửa ngõ kinh tế biển của các trung tâm kinh tế phía Bắc giao thương với Trung Quốc và các nước trên thế giới. Những điều kiện tự nhiên như vậy đã tạo cho khu vực biển vịnh Bắc Bộ được đánh giá là phức tạp, luôn là điểm nóng về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; mua, bán, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa với các thủ đoạn khác nhau, diễn biến phức tạp và tinh vi.
Để đấu tranh, trấn áp tội phạm vi phạm trên biển trong điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn, đêm tối, sương mù, đòi hỏi các trinh sát phải mưu trí, gan dạ, thậm chí chấp nhận cả thương vong, hy sinh. Theo phản ánh của lực lượng vùng CSB 1, những vi phạm, buôn lậu gian lận thương mại trên vùng biển vịnh Bắc Bộ những năm qua rất phức tạp.
Do có sự tiếp giáp, giao thương với nước bạn nên tình hình buôn lậu trên biển cũng sôi động không kém gì so với trong đất liền. Hàng hóa đa dạng về chủng loại như than, khoáng sản, xăng dầu, đồ điện tử đã qua sử dụng, vật liệu xây dựng, vải may mặc... Nguyên nhân là giá cả của mặt các hàng này giữa ta và Trung Quốc chênh lệch khá lớn nên hầu như tháng nào lực lượng CSB vùng 1 cũng phải xử lý vài vụ buôn lậu, nóng bỏng nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá, pháo nổ.
Do tiếp giáp với nước bạn nên thời gian hành trình của bọn buôn lậu từ vùng biển Trung Quốc về các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng chỉ vài tiếng đồng hồ nên hoạt động buôn lậu diễn ra rất nhanh, khó phát hiện và bắt giữ. Thủ đoạn buôn lậu là thường xuyên thay đổi địa điểm giao nhận hàng trên biển, sử dụng dùng phương tiện xuồng cao tốc lắp 5 - 6 máy (loại 200 mã lực/máy), có công suất từ 1.000 mã lực trở lên, thậm chí có xuồng công suất lên tới 2.000 mã lực chạy với tốc độ 50 hải lý/giờ khiến cho lực lượng chức năng khó truy đuổi. Nếu truy đuổi sẽ rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn. Chưa kể chúng sẽ chống trả quyết liệt, thậm chí chúng còn sử dụng vũ khí nóng gây thương vong cho lực lượng chức năng.
Đại tá Nguyễn Văn Thiếu, Phó Tư lệnh pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng CSB1 cho biết: Khu vực vùng biển vịnh Bắc Bộ là nơi có nhiều đảo lớn nhỏ, luồng tuyến đi lại đa dạng, đây là điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế nhưng cũng là điều kiện tốt để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng. Trong khi đó những chính sách của Nhà nước trong vấn đề hội nhập vẫn còn những sơ hở, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng để hoạt động, có những hành vi vi phạm pháp luật. Các phương tiện của nước ngoài chở hàng hóa khi đi vào vùng lãnh hải của ta đã “bắt tín hiệu” với các đối tượng buôn lậu trong đất liền, cấu kết với nhau tổ chức sang mạn hàng hóa trên biển.
Quyết liệt đấu tranh
Với phương châm đề cao tinh thần cảnh giác, lực lượng CSB vùng 1 luôn xác định nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển là một nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ vững an ninh, trật tự trên khu vực đơn vị quản lý, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của CSB Việt Nam. Đây cũng là khẳng định ý chí quyết tâm, trình độ năng lực, tính hiệu quả, chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh vùng.
Đại tá Trần Văn Thơ, Phó Tư lệnh tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 khẳng định: “Những năm qua, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng đã làm tốt công tác quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng cảnh sát viên phải xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao và phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối không để lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bị các phần tử xấu dụ dỗ mua chuộc, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm các chỉ thị, hướng dẫn của lãnh đạo, chỉ huy các cấp mà trực tiếp là của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh CSB trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt trong các đợt cao điểm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm”.
Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 224 lượt tàu thuyền mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển, tổ chức xác minh, điều tra làm rõ các hành vi vi phạm, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 27 tỉ đồng, tịch thu số lượng lớn tang vật gồm: 116.000 tấn than, 12.000 tấn quặng, hơn 2 triệu lít dầu DO, 68.000 kg dầu FO, 141.000 lít xăng A92, 22.000 kg gạo, 380.000 bao thuốc lá ngoại, 15m3 gỗ sưa, 7 khẩu súng hơi và nhiều tang vật khác như rượu ngoại, pháo nổ, vải may mặc, vật liệu xây dựng, cá giống, cá thịt, ếch thịt, các mặt hàng điện tử đã qua sử dụng...
Trung tá Lê Văn Thụy, Trưởng phòng Trinh sát, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 cho rằng, để làm tốt và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, khâu quan trọng nhất là tập trung điều tra những địa bàn mới nổi. Rà soát các điểm, nhóm đối tượng thường sử dụng tàu, thuyền, ca nô nhỏ đưa hàng hóa từ ngoài biển vào cất giấu. “Phòng Trinh sát sẽ thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho các trinh sát, bồi dưỡng bản lĩnh, dũng cảm kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm”, trung tá Lê Văn Thụy khẳng định.
Thời gian tới Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 sẽ tiếp tục đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ thực thi pháp luật trên biển, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong duy trì, thực thi pháp luật; trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và xử lý vi phạm hành chính.
Theo đại tá Nguyễn Văn Thiếu, lực lượng CSB Việt Nam mong muốn và đang đề nghị Nhà nước cho lực lượng CSB Việt Nam một học viện, nhà trường để đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho các chiến sĩ. Nhưng đây là một vấn đề rất khó khăn bởi trong công tác đào tạo nghiệp vụ lại thuộc ngành công an, trong khi liên quan đến hàng hải, tàu thuyền thì lại là ngành Hải quân. Trong khi đó, hai lực lượng này (công an, hải quân) này lại có chức năng, nhiệm vụ riêng nên không còn cách nào khác là CSB Việt Nam phải tự đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ để kịp thời bổ sung cho toàn lực lượng phù hợp với công tác biên chế, xây dựng phát triển.
“Để khắc phục hạn chế này, lực lượng CSB Việt Nam đã đưa cán bộ, chiến sĩ làm công tác pháp luật, hàng hải vào các học viện an ninh, cảnh sát, hải quân, biên phòng để đào tạo lại làm sao cho hai ngành nghiệp vụ này được đào tạo chuyên sâu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới”, đại tá Nguyễn Văn Thiếu, Phó Tư lệnh pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 khẳng định.