Ngày 29/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Quỹ giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã tổ chức Lễ trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 15, năm 2014, kỷ niệm 129 năm ngày mất của nhà văn hoá, nhà sử học Phạm Thận Duật (29/11/1885).
Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, quyền Chủ tịch hội đồng xét thưởng cho biết, năm nay số luận án tiến sĩ nhiều hơn mọi năm, tuy nhiên sau khi xem xét và đánh giá 12 luận án tiến sĩ sử học được gửi đến từ các cơ sở đào tạo sau đại học trong cả nước, Hội đồng xét thưởng đã không lựa chọn được luận án nào xuất sắc đủ điều kiện để trao giải nhất. Có 6 tiến sĩ có công trình đạt chất lượng xuất sắc nhất được trao giải, trong đó có 3 giải nhì, 3 giải ba.
Các công trình năm nay hầu hết nghiên cứu lịch sử ở giai đoạn trung đại và cận hiện đại, lịch sử thế giới. Luận án đạt giải nhì có ý nghĩa thực tiễn, tính thời sự cao với tựa đề “Quá trình triển khai chính sách về biển của Việt Nam từ năm 1986 đến năm 2010” của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh, thuộc Phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, được đào tạo ở Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Hai giải nhì còn lại thuộc về các Tiến sĩ thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đó là luận án “Biến đổi mô hình tổ chức nhà nước ở Việt Nam thế kỷ X - XIX” của Tiến sĩ Phạm Đức Anh, luận án “Thi Hương thời Nguyễn (qua các trường thi Hương Hà Nội, Nam Định và Hà Nam)” của Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo.
Trong ba giải ba có hai giải thuộc về Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, là “Quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt (1368 -1644)” của tác giả Nguyễn Kiều Trang, “Bang giao Việt Nam với Trung Quốc dưới triều Trần (1226 - 1400)” của Tiến sĩ Nguyễn Thu Hiền. Tiến sĩ Ngô Đức Lập, Đại học Khoa học - Đại học Huế giành giải nhì với luận án “Cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của cơ quan giám sát triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đến nay đã qua 15 năm, với 79 giải nhưng mới chỉ có 6 luận án đạt giải nhất, chứng tỏ sự khắt khe trong đánh giá, xét tặng của hội đồng xét thưởng.
Minh Nguyệt