Theo ông Nguyễn Gia Thọ, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, trong xu hướng phát triển đô thị, sinh thái hiện nay, nghề sinh vật cảnh không chỉ duy trì mà còn được đầu tư, phát triển bài bản, chuyên canh với sản phẩm giá trị cao (quất cảnh, đào cổ thụ…). Hiện nhiều vùng ngoại thành như: Thường Tín, Thanh Trì, Gia Lâm, Phúc Thọ… đều có làng nghề sinh vật cảnh nổi tiếng và xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú từ nghề này. Bên cạnh đó, một số khu vực còn phát triển mô hình sinh vật cảnh theo hướng công nghệ cao: Trồng hoa lan, hoa ly… trong nhà lưới, nhà kính, cho thu nhập hàng tỷ đồng/héc ta.
“Riêng Hội Sinh vật cảnh thành phố đã có 11.000 hội viên với số lao động làm nghề khoảng 100.000 người. Nghề sinh vật cảnh đang góp phần hình thành nhiều vùng quê xanh ở ngoại thành Hà Nội và giúp nhiều hộ làm giàu, có điều kiện đóng góp trong xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Gia Thọ khẳng định.
Hiện nhu cầu về cây cảnh của người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận rất lớn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố có khoảng 3.000 ha cây cảnh các loại và hàng nghìn vườn cảnh quy mô lớn, giá trị cao. Tuy là thế mạnh trong phát triển kinh tế tại các địa phương, song nghề sinh vật cảnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn như: Các làng nghề còn ở tình trạng tự phát, chưa được quy hoạch bài bản và chủ yếu “tự sản - tự tiêu”... Bên cạnh đó, các vấn đề mặt bằng, vốn sản xuất, truyền nghề, dạy nghề chưa ổn định, chưa chuyên sâu… phần nào đang cản trở sự phát triển nghề sinh vật cảnh.
Do đó, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội Nguyễn Gia Thọ cho rằng, những tồn tại, khó khăn trên chủ yếu do nhiều làng nghề chưa đón đầu được xu thế thị trường; chưa quy hoạch phù hợp nên chưa phát huy được giá trị tương xứng… Để khắc phục, các địa phương có làng nghề sinh vật cảnh cần đặc biệt quan tâm đến mặt bằng sản xuất; đồng thời, nên quy hoạch và đầu tư hệ thống giao thông, phát triển điểm trưng bày sản phẩm nhằm thu hút du khách và quảng bá sản phẩm.
Để làng nghề sinh vật cảnh phát triển có trọng tâm, đúng định hướng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại khẳng định: Sở đang tiến hành rà soát từng làng nghề sinh vật cảnh, qua đó, có kế hoạch, quy hoạch cụ thể, phù hợp với thế mạnh từng làng nghề… Cùng với đó, sự tham dự Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề cũng là cơ hội để quảng bá, xúc tiến và huy động các nguồn lực xã hội để phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, phát huy vai trò của sinh vật cảnh trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Trong khuôn khổ của chương trình, Ban tổ chức đã tôn vinh nghệ nhân, doanh nhân, chủ trang trại, nhà vườn tiêu biểu toàn quốc đã đồng hành vì sự phát triển của Hội Sinh vật cảnh Hà Nội. Ban tổ chức đã trao Giải vàng cho 20 nghệ nhân và bằng khen cho 70 doanh nghiệp, chủ trang trại, nhà vườn tiêu biểu.