Giá cước vận tải tăng, chất lượng phục vụ giảm: Vận tải hành… khách!

Cuối tháng 2/2011, Bộ Tài chính quyết định cho phép doanh nghiệp tăng giá bán các loại xăng A92, dầu diesel, dầu hỏa… lên khoảng 2.900- 3.000 đồng/lít so với giá cũ.

Việc tăng giá xăng dầu bất khả kháng này khiến các doanh nghiệp vận tải phải đồng loạt tăng giá cước để không lỗ. Tuy nhiên, việc các nhà xe chỉ muốn tăng giá cước vận tải, mà không cải thiện chất lượng phục vụ, cho thấy ngành vận tải vẫn hành… khách. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý chuyên ngành cần sớm phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.

Hiệu ứng dây chuyền

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Giá xăng dầu hiện chiếm khoảng 40-60% giá thành dịch vụ vận tải, nên giá xăng dầu tăng buộc các doanh nghiệp vận tải phải điều chỉnh giá cước tăng lên khoảng từ 15-20% mới đảm bảo không lỗ.

Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, thành phố hiện có hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải bằng taxi, với hơn 12.000 đầu xe, giá cước dao động từ 8.500-11.500 đồng/km tùy từng hãng xe và loại xe. Sau khi giá xăng tăng, hãng taxi Mai Linh đã thông báo điều chỉnh tăng giá cước thêm 12% so với giá cũ, từ 11.500 đồng/km lên 12.700 đồng/km với xe 4 chỗ, từ 12.500 đồng/km lên 13.500 đồng/km với xe 7 chỗ. Các hãng taxi khác cũng điều chỉnh tăng giá cước lên từ 12-15%.

Các tuyến vận tải liên tỉnh, giá vé phổ biến tăng từ 20 - 30%. Ảnh: L.P


Các loại xe khách liên tỉnh hiện cũng đã tăng giá cước. Tại các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, phía Nam… Công ty TNHH Xe buýt Hải Âu chạy tuyến Gia Lâm-Hải Phòng đã tăng giá cước lên 10% (từ 55.000 đồng lên 60.000 đồng/người/vé); Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang chạy tuyến Hà Nội-Bắc Giang cũng tăng từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng/người/vé; tuyến Mỹ Đình-Lai Châu được các nhà xe tăng từ 260.000 đồng lên 300.000-320.000 đồng/vé (tăng 20%)...

Giá xăng, dầu tăng cũng khiến vận tải đường sắt và hàng không tính tới phương án tăng giá cước. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không khác hiện đang nghiên cứu, đề xuất giá vé trần với liên Bộ Giao thông Vận tải-Tài chính để điều chỉnh phù hợp với thị trường. Còn theo ngành đường sắt, giá cước sẽ tăng không dưới 25% và có thể áp dụng từ ngày 1/4/2011, thời điểm bắt đầu mùa cao điểm du lịch trong năm đối với vận tải đường sắt.

Chưa hết, việc tăng giá xăng dầu vào đúng đầu mùa cao điểm du lịch hiện nay cũng tác động đến các công ty du lịch lữ hành cân nhắc đến việc điều chỉnh giá tour, nhất là đối với các tour nội địa sử dụng phương tiện vận chuyển bằng ô tô. Qua tính toán của Công ty Lữ hành Hanoitourist, giá xăng dầu tăng lên khoảng 3.000 đồng/lít đã làm chi phí cho mỗi tour tăng lên ít nhất 5% cho riêng việc vận chuyển. Với xu thế này, giá tour trong thời gian tới khả năng tăng lên khoảng 15%.

Tại các tuyến vận tải hiện nay, nhiều hành khách không khỏi “giật mình” khi phổ biến nhà xe thu vé tăng thêm từ 20-30% giá vé so với trước đây, nhất là những hành khách xuống giữa chặng, giá vé thu “ngẫu hứng” cao vọt hơn trước, nhưng mọi thắc mắc, bức xúc chỉ được các nhà xe lý giải gọn lỏn bằng khẩu hiệu: “Xăng tăng giá”!. Trên tuyến Hà Nội-Tuyên Quang, các xe khách chạy tuyến này tăng giá vé theo nhiều mức khác nhau.

Nhà xe Quyết Hương, Hồng Thịnh, Sơn Hương... thu vé Mỹ Đình-Tuyên Quang là 70.000 đồng/vé, tăng 16% so với giá vé cũ; riêng xe của doanh nghiệp Bảo Yến nâng giá vé từ 60.000 đồng/vé lên 80.000 đồng/vé (tăng 33%)… Tuyến vận tải Hà Nội-Quảng Ninh, giá vé xe Kumho chạy Mỹ Đình-Hòn Gai từ 80.000 đồng/vé lên 90.000 đồng/vé (tăng trên 11%), xe Hoàng Long chạy Mỹ Đình-Cẩm Phả từ 100.000 đồng/vé lên 115.000 đồng/vé (tăng 15%)…

Mất thêm tiền vẫn không hết khổ!

Khởi hành từ Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) hàng ngày lúc 9 giờ sáng, xe KaLong chạy tuyến Móng Cái-Mỹ Đình theo lộ trình chỉ mất hơn 4 tiếng chạy từ Mỹ Đình đến Hạ Long. Nhưng nhiều xe ra khỏi bến, di chuyển với vận tốc "siêu chậm" để dừng bắt khách, với khoảng 1 tiếng đồng hồ "bò" hết quãng đường dài 2 km từ Bến xe Mỹ Đình ra chân cầu vượt Phạm Văn Đồng.

Các xe chạy tuyến Hà Nội đi Tuyên Quang, Phú Thọ, Cao Bằng... cũng chạy với vận tốc "rùa" tương tự, khiến đường Phạm Hùng lúc nào cũng ùn ứ xe và inh ỏi tiếng còi… Qua quan sát, nhiều xe mặc dù đã kín chỗ nhưng lơ xe vẫn liên tục bắt khách và nhồi nhét 5 - 6 người ngồi chung trên một hàng ghế chỉ dành cho 4 người. Rõ ràng, điệp khúc giá vé cao, nhưng hành khách không được hưởng chất lượng dịch vụ tốt khó có hồi kết…

Bên cạnh đó, một bộ phận lớn người lao động, học sinh, sinh viên hiện nay đi lại bằng xe buýt, mặc dù giá vé xe buýt chưa tăng giá, nhưng ngân sách không thể bù lỗ lớn lâu được. Còn những người hành nghề “xe ôm” hiện nay cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, tăng giá xe ôm thì ít khách, còn giữ nguyên thì không chạy theo kịp giá xăng, không đảm bảo cuộc sống…

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, để đảm bảo việc tăng giá cước vận tải công khai, thống nhất, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, Sở đã có văn bản gửi các bến xe, đơn vị chủ quản các doanh nghiệp vận tải, yêu cầu ngoài việc hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo quy định, khi tăng giá, các doanh nghiệp phải công khai niêm yết giá vé tại các bến, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện đúng, nhất quyết không cho tăng giá hoặc đình tải.

Nhưng, xem ra để chủ động kiểm soát, ngăn chặn tình trạng “xe dù”, các cơ quan liên ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên các tuyến đường; kiên quyết xử lý các hành vi chèo kéo, đón trả khách không đúng quy định... thậm chí, áp chế tài xử phạt tăng nặng, thậm chí rút giấy phép hoạt động, “đánh” mạnh vào kinh tế của chủ các “xe dù”, mới mong hạn chế được nạn hành… khách!.

Ý Kiến:

Tăng cước vận tải là tất yếu, nhưng cần giám sát chặt
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết: Theo đề xuất của các doanh nghiệp vận tải, trung bình mức giá sẽ tăng từ 10-15% so với giá vé trước khi tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, quy trình điều chỉnh tăng phải dựa trên cơ sở tính toán lại phương án giá, kê khai với chính quyền các địa phương, in lại giá vé… Tuy nhiên, mức tăng phải có sự giám sát của các cơ quan quản lý, sao cho vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp nhưng phải tính đến lợi ích của hành khách.

Không tăng giá vé thì không thể trụ nổi, nhưng phải hợp lý
Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Điện Biên cho biết: Với hơn 60 đầu xe chất lượng cao chạy tuyến Điện Biên-Hà Nội, Thái Bình và nhiều tỉnh, thành khác, tiền vốn bỏ ra hàng ngày rất lớn, chủ yếu là tiền xăng dầu. Nếu ở các tỉnh phía Nam, có doanh nghiệp đã tăng tiền vé lên đến 24%, thì công ty chỉ đề xuất tăng 15%. Với mức tăng này, doanh nghiệp vẫn phải "khéo co" mới không phải bù lỗ khi tiền lương, tiền điện, lãi ngân hàng… đều tăng. Đối với đợt tăng giá xăng lần này, công ty đã tính đến các phương án tiết kiệm các chi phí của đơn vị như giảm lương, cắt giảm nhân công... Đặc biệt là việc tăng giá vé sẽ điều chỉnh theo hướng hợp lý nhất. Nếu không tăng giá vé thì không thể trụ nổi.

Giá cước tăng phải công khai niêm yết
Bác Lê Thanh, một hành khách đi tuyến Vinh-Hà Nội cho biết: Việc tăng giá cước theo quy định là điều khó tránh khỏi trước việc giá xăng dầu tăng như hiện nay, nhưng cần phải có sự thống nhất và hợp lý chứ không thể có kiểu lập lờ, xin xỏ tăng giá “miệng”, mỗi xe một kiểu, mỗi nơi một phách và quan trọng phải công khai niêm yết.


Nguyễn Tiến (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN