57 năm, trong kí ức của những người già ở Điện Biên, thì đổi thay ở mảnh đất lịch sử này… "như có phép Giàng". Quả đúng vậy, chỉ cần lấy chặng thời gian 5 năm, 10 năm đã thấy Điện Biên đổi mới, đồng bào các dân tộc ấm no, đời sống đã nâng lên rất nhiều.
Tuổi trẻ cả nước thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại nghĩa trang. |
Những ngày đầu tháng 5, cái nắng đầu hè rọi xuống nghĩa trang Độc Lập (Điện Biên), và toàn bộ cánh đồng “nhất Thanh”. Thời điểm này, lúa bắt đầu trổ bông, hương thơm ngào ngạt - đặc trưng của “thương hiệu” gạo Điện Biên làm nức lòng du khách gần xa. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng nói rằng: Trong 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm...”, máu bộ đội và đồng bào các dân tộc đổ xuống thấm vào đất đá, cỏ cây, để rồi hôm nay cánh đồng Mường Thanh thẳng cánh cò bay, quanh năm mướt màu xanh của lúa, hoa màu. Trong mỗi hạt gạo trắng ngần, thơm ngon có vị mặn mòi của những giọt mồ hôi và máu của hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ.
Vào dịp kỷ niệm 57 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách đến với mảnh đất này nhiều hơn. Theo anh Lò Văn Hoàng, “hướng dẫn viên” nghiệp dư, trung bình mỗi ngày có hàng chục đoàn khách lên tới cả trăm người đi thăm các di tích tại Điện Biên. Anh Trần Đình Huân, du khách đến từ Hà Nội, phấn chấn: “Năm 2004, tôi đến Điện Biên lần đầu tiên và lần này thấy mảnh đất và con người nơi đây khác trước rất nhiều. Không còn nhận ra nữa”.
Đặt chân đến trước cổng khu nhà đón tiếp ở nghĩa trang, chúng tôi cảm nhận có cái gì đó khác lạ, khó nói thành lời. Nghĩa trang Độc Lập rộng khoảng 5ha, là nơi an nghỉ của 2.432 liệt sỹ. Sau nhiều năm có bàn tay ân cần chăm sóc của nhóm quản trang: Vương Xuân Thấm, Nguyễn Thị Thoán, Hoàng Thị Minh Hồng và Lò Thị Lịch, toàn bộ cây cối trong khuôn viên xanh tươi, toả bóng mát xuống từng khu mộ. Hằng ngày, tổ quản trang đến từng khu mộ nhặt từng chiếc lá khô, ngọn cỏ vừa mọc khỏi mặt đất đã có bàn tay tổ quản trang dọn sạch. Những ngôi mộ yên vị dưới hàng thông ngày lại ngày vi vu trong gió.
Anh Vương Xuân Thấm, Tổ trưởng tổ quản trang dẫn chúng tôi lên Đài tưởng niệm thắp nén hương. Chậm rãi bước chân dưới hàng long não cổ thụ đang nở hoa, tỏa hương, cảm giác thật dễ chịu. Dừng chân bên hàng si xanh, anh Thấm đọc vanh vách: Si có 26 cây, tùng 756 cây, ngâu 552 cây, cau 20 cây, phượng 200 cây trồng quanh nghĩa trang, mỗi cây gắn với mỗi sự kiện kỷ niệm.
Năm nay, tỉnh Điện Biên long trọng tổ chức kỷ niệm 3 ngày lễ lớn, do đó số lượng du khách đến tham quan nhiều. Mỗi ngày có hàng chục đoàn khách đến nghĩa trang Độc Lập thăm viếng hương hồn các anh hùng liệt sỹ. Trên Nhà bia tưởng niệm, khói hương không bao giờ tắt, hoa quả tươi được thay từng ngày. Anh Thấm tâm sự: Thời điểm mới nhận việc (năm 2001), các anh phải xuống chợ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ mua hoa quả về làm lễ, tốn nhiều thời gian, công sức. Thế rồi tổ quản trang bàn bạc, thống nhất phương án xới xáo một vài khoảng đất trống trong khuôn viên nghĩa trang để trồng hoa đồng tiền, hồng, cúc... Tấm lòng thành kính của tổ quản trang được người nằm xuống trong các khu mộ phù hộ, chứng giám. Những “vườn” hoa luôn tươi tốt, nở bông quanh năm. Tuần tự như tiến, ngày nào anh Thấm cũng cắt những bông hoa tươi thắm cắm lên bình hương.
Tại các khu mộ, nhóm quản trang trồng hoa sống đời (hoa quân tử). Đúng như tên gọi của loài hoa, mặc dù các anh đã ngã xuống cách đây 57 năm, nhưng trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam, các anh luôn tồn tại, mãi tạc ghi vào hồn thiêng sông núi, vĩnh hằng với thời gian. Suốt mùa xuân đến những ngày đầu mùa hạ, cây sống đời tại 2.432 ngôi mộ nở hoa đỏ rực, như đón chào các sự kiện chính trị lớn của tỉnh và cả nước.
Tổ trưởng Vương Xuân Thấm gắn bó với “nghề” quản trang tại nghĩa trang Độc Lập lâu nhất trong số bốn anh, chị em. Không biết số phận run rủi thế nào, năm 2001, anh chuyển công tác từ cán bộ văn hóa xã Thanh Nưa sang “nghề canh giấc” nghĩa trang. Anh Thấm kể: Thời điểm còn làm cán bộ xã, nhiều lần anh dẫn các cháu thiếu niên, nhi đồng đến nghĩa trang thắp hương, biểu diễn văn nghệ nhân các ngày lễ, Tết. Nhìn thấy những ngôi mộ cỏ mọc um tùm, cây cảnh không được cắt tỉa thường xuyên, đường vào nghĩa trang “ngập” lá cây khô, anh nảy sinh ý tưởng xin chuyển công tác về đây để đóng góp chút công sức nhỏ bé chăm sóc nghĩa trang. Là tổ trưởng nên 8 năm qua, anh gương mẫu trong công việc, luôn đi sớm về muộn, cần mẫn như chú ong, nhờ đó khuôn viên nghĩa trang ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Quần thể khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ tại Mường Phăng. |
Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với quản trang Vương Xuân Thấm đó là được chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyễn Giáp vào năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày đó, Đại tướng đến thăm đồng đội cũ tại nghĩa trang Độc Lập, viết những dòng lưu niệm vào sổ nhật ký. Xong mọi việc, Đại tướng chụp ảnh lưu niệm với tất cả các đồng chí trong đoàn công tác từ Trung ương xuống địa phương. Quan sát thấy người quản trang đứng ở góc nhà đón tiếp, dáng vẻ e ngại, Đại tướng gọi lại và hỏi: “Sao chú không đứng vào để chụp ảnh?”. Anh Thấm khiêm tôn trả lời: “Cháu chỉ là người quản trang nên không dám…“ Đại tướng sắp xếp cho anh Thấm đứng cạnh, các tay máy tha hồ sáng tác. Đại tướng hỏi anh Thấm: “Chú đã hài lòng chưa?”. Anh Thấm cảm ơn Đại tướng. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp nhẹ tay vỗ vai anh Thấm và nói: “Chú làm tốt lắm! Xã hội rất cần những người tận tình với việc nghĩa như chú!”. Nhớ lại, anh Thấm dường như vẫn còn xúc động, trong mỗi câu từ của Đại tướng đều toát lên ý căn dặn tổ quản trang giữ gìn sức khỏe, bố trí việc gia đình hợp lý để chăm sóc “giấc ngủ” cho toàn thể liệt sỹ đang an nghỉ tại nghĩa trang.
Anh Thấm dẫn chúng tôi về thăm nhà. Cô con gái út sinh năm 1995 mắc bệnh sởi nằm một mình tại góc phòng. Anh Thấm nói như thanh minh: Biết cháu ốm, nhưng do công việc bận rộn suốt ngày, nên những lúc không có khách đến thắp hương, viếng mộ liệt sỹ, tranh thủ chạy về thuốc thang, thu xếp việc gia đình. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Miến, cũng làm “nghề” quản trang tại nghĩa trang Him Lam từ năm 2004 đến nay. Hai vợ chồng chung chí hướng, từng hứa trước vong linh các anh hùng liệt sỹ nguyện suốt đời làm việc nghĩa.
Được biết, phần thưởng bằng hiện vật lớn nhất hàng chục năm “canh giấc” nghĩa trang Độc Lập của anh Vương Xuân Thấm là, đầu năm 2007 anh là người duy nhất đại diện cho hàng trăm quản trang trong cả nước đến Hội An (tỉnh Quảng Nam) tham dự lễ tổng kết 10 năm “Đền ơn đáp nghĩa 1996 - 2006” và được Bộ LĐ, TB&XH tặng Bằng khen. Còn phần thưởng về tinh thần thì không thể kể hết. Cứ mỗi lần có đoàn khách đến viếng hương hồn các anh hùng liệt sỹ, nhìn thấy khuôn viên nghĩa trang sạch sẽ, hương khói chu tất, tổ quản trang lại nhận được vô số lời khen ngợi, cảm ơn, trong lòng cảm thấy vui và luôn cố gắng phấn đấu làm tốt hơn công việc của mình.
Ghi chép của Kỳ Bá