Là một trong 9 chương trình ưu tiên của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã góp phần tích cực trong việc phòng, chống, hạn chế tốc độ gia tăng số người nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã góp phần hạn chế số trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV. |
Có thể nói, hiện nay đường đến trường của những trẻ em nhiễm “H” vẫn còn rất gian nan bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng với những đứa trẻ này. Do đó, để trẻ nhiễm “H” được hòa nhập cộng đồng và được đến trường thì vẫn còn gặp nhiều cản trở, khó khăn và thách thức. Bên cạnh công tác tuyên truyền chống sự phân biệt kỳ thị đối với trẻ bị nhiễm “H” thì việc làm giảm tỷ lệ trẻ nhiễm “H” chào đời là hết sức quan trọng. Trong đó, để làm giảm tỷ lệ này thì phải làm tốt công tác dự phòng lây truyền nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/ADIS, đến năm 2012, có khoảng 5.700 trẻ em đến 15 tuổi bị nhiễm HIV. Tại Việt Nam tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở phụ nữ mang thai là 0,25%. Trong số khoảng 1,5 triệu bà mẹ sinh con mỗi năm thì Việt Nam sẽ có khoảng 4.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu không có sự can thiệp kịp thời, tỷ lệ lây truyền nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ là 35%. Theo đó, trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 1.400 trẻ sơ sinh có nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ. Nhưng, nếu có sự can thiệp kịp thời thì tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 5 - 10%, tức là chỉ có khoảng 200 - 400 trẻ bị mắc/năm.
Hiện tại TP.HCM, chương trình Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã được triển khai tại hai bệnh viện phụ sản lớn là Từ Dũ, Hùng Vương và 24 bệnh viện quận, huyện với đầy đủ các loại dịch vụ. Theo đó, chương trình tập trung vào tham vấn, xét nghiệm cho bà mẹ mang thai. Đối với những bà mẹ sau khi phát hiện bị nhiễm HIV sẽ được điều trị dự phòng ARV đến lúc sinh. Sau khi sinh, bà mẹ được chuyển qua chương trình điều trị ARV miễn phí của thành phố. Bên cạnh đó, trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây nhiễm theo phác đồ của Bộ Y tế, đồng thời trẻ được nhận sữa thay thế sữa mẹ tại những điểm triển khai chương trình và được xét nghiệm về tình trạng HIV. Khi trẻ có chỉ định điều trị bằng ARV, sẽ được theo dõi và điều trị tại BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2. Tất cả đều được thực hiện hoàn toàn miễn phí.
Theo Sở Y tế TP.HCM, chương trình can thiệp dự phòng lây truyền nhiễm HIV từ mẹ sang con bước đầu đã mang lại kết quả khả quan với hơn 80% bà mẹ qua xét nghiệm sàng lọc nhiễm HIV được điều trị dự phòng, tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm đáng kể, bình quân hàng năm, TP.HCM chỉ có khoảng 30 đến 40 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ, thay vì 200 trẻ mỗi năm nếu không có chương trình can thiệp.
Bác sỹ Văn Thị Hồng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận 4 cho biết: “Nhằm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con tiến tới loại trừ tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ, chúng tôi thường xuyên triển khai thực hiện tháng cao điểm chiến dịch phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào tháng 6 hàng năm. Mục tiêu của tháng cao điểm là nhằm tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện. Trong năm qua, tại khoa sản - bệnh viện quận đã tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV cho hơn 1.000 phụ nữ đến khám và sinh con và đã phát hiện, quản lý, tư vấn chăm sóc và điều trị cho 10 phụ nữ mang thai nhiễm HIV”.
Còn tại Bệnh viện Từ Dũ, mỗi tháng có khoảng 30 bà mẹ có HIV tới khám và được tư vấn, áp dụng các biện pháp lây truyền HIV từ thai phụ sang con và đã có 55% số bà mẹ được phát hiện và can thiệp dự phòng khi mang thai.
Như vậy, việc ngăn ngừa và hạn chế lây truyền HIV từ mẹ sang con là một mục tiêu có thể thực hiện được và mang ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội. Đây cũng là một trong những chương trình quan trọng để thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm số người nhiễm HIV mới.
Bài và ảnh: Đan Phương