Theo tờ New York Times, những người có thói quen đăng những dòng trạng thái mang màu sắc tiêu cực hay có những phát ngôn thể hiện sự “chán đời” rất nhiều khả năng đang mắc phải căn bệnh trầm cảm.
Đối với nhiều người, đặc biệt là các thanh thiếu niên, mạng xã hội là một nơi duy nhất để họ có thể bày tỏ những suy nghĩ cá nhân. Năm ngoái, trong một nghiên cứu của đại học Washington cho biết, 30% trong số 200 sinh viên được hỏi thừa nhận rằng họ đã từng viết những trạng thái Facebook mang ý nghĩa như “thể hiện nỗi thất vọng cùng cực, thường xuyên rơi vào trạng thái thiếu ngủ hay mất tập trung” mà theo hiệp hội Tâm thần học Hoa Kì, đây là những biểu hiện của chứng trầm cảm. Internet như một không gian vô cùng an toàn để mọi người thừa nhận những gì mà trong cuộc sống thực họ không nói ra. Và chỉ có 10% những người bị trầm cảm là tìm đến những trung tâm tư vấn cho vấn đề mắc phải.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Tuy nhiên, sử dụng Facebook như một công cụ nhận biết các dấu hiệu trầm cảm cũng là một vấn đề liên quan đến đạo đức cũng như đời tư của mỗi cá nhân khi mà những bài viết hay trạng thái chỉ được xem bởi những người trong danh sách bạn bè, không phải bởi những nhà tâm lí học.
Trong khi việc trẻ em thêm cha mẹ vào danh sách bạn bè là chuyện hiếm gặp thì các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên để mắt tới con cái khi chúng tham gia vào những hoạt động trên Internet. Nếu nhận thấy trẻ có hành vi bất thường thể hiện sự lo lắng hay giận dữ dù trên mạng hay trong cuộc sống thì những bậc phụ huynh nên thể hiện sự bình tĩnh trong việc giải quyết vấn đề. Suy cho cùng thì sẽ không ai viết trạng thái của mình trên Facebook nếu biết trạng thái đó sẽ không nhận được sự phản hồi từ bạn bè hay người thân.
Theo Thongtincongnghe.com