Nông dân Khmer nhạy bén làm giàu
Gia đình ông Danh Bọt tại xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao, Kiên Giang) đã thoát nghèo nhờ nghề vót câu, vót hom tre làm ống trúm đặt lươn với nguồn thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày.
Là người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer ở xã Thủy Liễu (huyện Gò Quao), ông Danh Bạch, Bí thư kiêm Trưởng ấp Hòa Thạnh 2 cho biết, đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2025, người dân Khmer trong thôn, xóm nói chung, gia đình ông nói riêng rất phấn khởi. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao. Theo ông Bạch, ấp Thanh Hòa 2 có hơn 300 hộ dân, trong đó hơn 200 hộ Khmer và hơn 70% số hộ thuộc diện khá, giàu. Từ năm 2020, 100% số hộ trên địa bàn sử dụng lưới điện quốc gia và nước sạch hợp vệ sinh.
Tiêu biểu là ông Danh Hải (xã Thủy Liễu) - nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Gò Quao với thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm từ việc sản xuất lúa, nuôi lươn và nuôi lợn sinh sản. Ông Hải chia sẻ, trước đây, gia đình chỉ có 1 ha đất trồng lúa, thu nhập mang lại không nhiều. Do đó, vợ chồng ông xây chuồng nuôi lợn thịt, lợn nái, duy trì nuôi từ 20.000 - 45.000 con lươn mỗi vụ để tăng thu nhập, lợi nhuận. Nhờ các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế khá, gia đình tích góp mua thêm đất ruộng và đến nay sở hữu hơn 7 ha đất.
“Gia đình tôi áp dụng nhiều mô hình sản xuất để tranh thủ nguồn vốn có từ lợi nhuận của mô hình này đầu tư cho mô hình kia. Trong quá trình áp dụng, tôi thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, hội thảo của ngành nông nghiệp tổ chức; qua đó, vận dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thông minh, an toàn sinh học; chăn nuôi an toàn, tiết kiệm chi phí để tăng năng suất, lợi nhuận”, ông Hải cho biết.
Gia đình chị Neang Sà Gom tại xã Thủy Liễu (Gò Quao, Kiên Giang) được hỗ trợ đàn trâu từ dự án giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế.
Để phát triển kinh tế gia đình, nhân dân ấp Thạnh Hòa 3 đã áp dụng đa dạng các mô hình sản xuất, kinh doanh, lao động như: sản xuất lúa giống chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn; nuôi lợn thịt, lợn nái; nuôi trâu, bò, gà, vịt, cá nước ngọt, lươn; trồng rau màu, cây ăn quả… Một số hộ cho thuê xe dịch vụ; kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thanh niên tham gia lao động ở các công ty, xí nghiệp, đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài.
Gia đình ông Danh Bạch (ấp Thạnh Hòa 3) có 4,5 ha đất trồng lúa 2 vụ/năm, duy trì nuôi từ 5 - 6 con lợn nái bán lợn giống với thu nhập mỗi năm hơn 350 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng/năm. Ông Bạch phấn khởi cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho sinh viên thuộc đồng bào Khmer, cùng sự cố gắng, vợ chồng ông đã nuôi 3 con ăn học, trưởng thành. “Những năm gần đây, các con có việc làm ổn định. Vợ chồng tôi sản xuất lúa, nuôi lợn cũng đạt hiệu quả. Do đó, năm 2025, gia đình đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây sung túc, ấm áp hơn. Các tuyến đường giao thông nông thôn cũng được mở rộng, xe ô tô tới tận nhà, người dân làm hàng rào cây xanh, trồng hoa kiểng tạo nên bức tranh làng quê tươi đẹp”, ông Danh Bạch chia sẻ.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ
Gia đình bà Thị Huệ tại xã Thủy Liễu (Gò Quao, Kiên Giang) được hỗ trợ nhà ở năm 2024 từ chương trình nhà ở dành cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Trong căn nhà còn thơm mùi sơn được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng theo chương trình nhà ở dành cho hộ nghèo Khmer, bà Thị Huệ (68 tuổi, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao) cho biết, hoàn cảnh gia đình bà khá khó khăn. Bà làm lao động tự do và phải chăm sóc người mẹ 90 tuổi nên bao nhiêu năm qua không thể tích lũy tiền xây nhà mới. Được Nhà nước hỗ trợ, gia đình bà rất phấn khởi khi đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây trong căn nhà mới khang trang.
“Bên cạnh hỗ trợ xây dựng nhà ở, những năm qua, chính quyền địa phương còn tặng thẻ bảo hiểm y tế; thường xuyên tặng gạo, mì, nhu yếu phẩm để gia đình tôi đỡ phần gánh nặng, ổn định cuộc sống. Tôi luôn trân trọng sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước và cố gắng để vươn lên thoát hộ cận nghèo, sống đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”, bà Huệ cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Trung Hồ cho biết, địa phương là tỉnh có đông đồng bào Khmer với trên 237.000 người, chiếm hơn 13% dân số của tỉnh. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch, điện sinh hoạt, chuyển đổi nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo dành cho đồng bào Khmer luôn được tỉnh thực hiện tốt.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được nâng lên. Số hộ khá, giàu ngày càng tăng chiếm trên 50%; hộ nghèo Khmer chỉ còn 1,8%; trên 98% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện lưới quốc gia, trên 90% hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc, vùng biên giới ngày càng vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được ổn định. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên đồng bào Khmer được quan tâm.
“Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, địa phương tích cực phối hợp, phát huy tốt vai trò các vị chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận đồng đồng bào tích cực thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng gia sản xuất, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tham gia tốt công tác an sinh xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đồng thời, các cơ quan, địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Trung Hồ nhấn mạnh.