Nổi bật là linh vật rắn được đặt tại phường Tương Bình Hiệp. Khác với những thiết kế thông thường, linh vật này đội một chiếc lân, hai bên tai đeo hạt trái dầu - biểu tượng gắn liền với vùng đất Thủ Dầu Một. Với chiếc áo đỏ mang hình ảnh trống đồng và đôi hoa tay là cánh hoa dầu, linh vật này gợi ý đến sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, vừa thể hiện sự tự hào dân tộc, vừa phản ánh tinh thần sáng tạo mới mẻ của người dân Bình Dương.
Theo bà Trương Thị Kiều Chinh, Phó Chủ tịch UBND phường Tương Bình Hiệp, hình ảnh con rắn trong văn hóa dân gian biểu tượng cho tài lộc và may mắn. Linh vật rắn được thiết kế không chỉ để làm đẹp cho không gian Tết mà còn mang thông điệp tốt lành, hy vọng về một năm mới thịnh vượng, bình an. Đặc biệt, ý tưởng đội mũ lân cho linh vật rắn là sự kết hợp giữa hai biểu tượng may mắn quen thuộc của ngày Tết về sự rộn ràng của lân sư rồng, tôn vinh được hình ảnh linh vật thêm phần nổi bật. Cùng với đó, tại Tương Bình Hiệp xây dựng một chuỗi cụm sản phẩm của làng nghề 300 năm gắn với nghề truyền thống lu hũ của Làng gốm Đại Hưng. Đây là khu vực thu hút mọi người đến check-in không thể bỏ qua trong những ngày Tết tại Bình Dương.
Bên cạnh đó, linh vật rắn vàng "Vua rắn" đặt tại đường Quang Trung, trước trụ sở UBND thành phố Thủ Dầu Một, cũng thu hút sự chú ý đặc biệt. Với chiều dài 10m, cao 5m, và tổng chiều dài leo thang lên đến 18m, linh vật được khắc họa công phu từ thiết kế, mô phỏng tỉ lệ từng chi tiết như thân hình rắn, đôi mang bành và vương miện đặc sắc. Điểm nhấn đặc biệt của linh vật này là chiếc vương miện được thiết kế theo hình ảnh cánh hoa dầu - biểu tượng của Thủ Dầu Một, kết hợp cùng tháp đồng hồ chợ Thủ Dầu Một, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật vừa ấn tượng.
Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thành phố Thủ Dầu Một cho biết, đón Tết năm nay, tại Sân vận động Gò Đậu diễn ra chương trình biểu diễn Drone với chủ đề “Đất Thủ vươn mình cùng dân tộc,” chương trình nằm trong chuỗi sự kiện do UBND thành phố Thủ Dầu Một chủ trì, diễn ra vào ngày 28/01/2025 (tức 29 Tết - đêm giao thừa). Những thiết bị bay không người lái được sử dụng đều tích hợp công nghệ tiên tiến, đảm bảo khả năng trình diễn các hiệu ứng ánh sáng độc đáo, đáp ứng góc nhìn tốt nhất cho đại biểu và khán giả.
Cùng ngày, Hội Hoa Xuân tỉnh Bình Dương cũng chính thức ra mắt giới thiệu các loại bon sai, tiểu cảnh, non bộ, các loại kỳ hoa, dị thảo của nghệ nhân trong và ngoài tỉnh phục vụ nhân dân thưởng ngoạn. Ngoài ra, còn có Hội thi sinh vật cảnh với sự tham gia của các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh tham dự để giới thiệu cho nhân dân thưởng ngoạn những tác phẩm hoa, kiểng nghệ thuật; các chương trình hoạt náo hàng đêm; biểu diễn Ban nhạc và nhóm ca của các huyện, thành phố và các gian hàng ẩm thực...
Hội sách, báo Xuân trưng bày, giới thiệu những ấn phẩm xuân của các Báo Trung ương, Bình Dương và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; triển lãm sách, thông tin chuyên đề, bản tin điện tử về Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội nhằm tạo sự lan tỏa, phát triển phong trào văn hóa đọc, tổ chức các trò chơi dân gian, hái lộc đầu năm…
Đà Nẵng mở đường hoa Xuân tại phố đi bộ Bạch Đằng
Từ ngày 27/1, thành phố Đà Nẵng đã đóng tuyến đường Bạch Đằng nối dài để làm phố đi bộ vào ban ngày; đồng thời mở đường hoa Xuân dọc tuyến đường này để phục vụ người dân và du khách tham quan, chụp ảnh. Chủ đề của đường hoa năm nay là "Ất Tỵ du xuân", được trang trí với hàng nghìn chậu hoa đủ màu, theo ý tưởng "Quang niên thiên Tỵ" với nhiều tiểu cảnh và đại cảnh độc đáo, tạo nên một không gian rực rỡ, đầy màu sắc.
Có mặt tại đường hoa từ sáng sớm, chị Phan Ngọc Liên (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) cho biết, gia đình chủ động đi chụp ảnh đường hoa trước Tết để đỡ đông, và hoa đang còn tươi mới. Chị Liên cho biết, thành phố làm đường hoa và tiểu cảnh tập trung 2 bên chân cầu Rồng rất rực rỡ, khi chụp ảnh có khung cảnh sông Hàn phía sau rất lãng mạn, tạo không khí sắc Xuân tươi đẹp tràn trề chảy về thành phố.
Còn ông Steven Simpson, du khách đến từ Mỹ cũng rất hào hứng khi tham quan đường hoa Xuân Đà Nẵng. Ông chia sẻ, vì biết kỳ nghỉ Tết ở Việt Nam rất đẹp và có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc nên ông đã rủ bạn bè tới Đà Nẵng du lịch vào dịp này. Đà Nẵng là một thành phố biển xinh đẹp, năng động và hấp dẫn, cộng thêm các hoạt động vui Tết, đón Xuân nên các du khách đều cảm thấy rất thích thú, hào hứng.
Trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất đề xuất cho phép đóng đường Bạch Đằng, đoạn từ cầu Trần Thị Lý tới cầu Rồng, để phục vụ các hoạt động vui Xuân, đón Tết Ất Tỵ 2025 tại phố đi bộ Đà Nẵng. Thời gian đóng đường từ 8 giờ đến 24 giờ, các ngày 27/1 đến ngày 31/1 (tức 28 tháng Chạp đến Mùng 3 Tết). Còn các ngày từ 1/2 đến 2/2 (Mùng 4 đến Mùng 5 Tết), tuyến đường này sẽ đóng từ 15 giờ đến 24 giờ.
Năm nay, thành phố Đà Nẵng đầu tư hơn 18,6 tỉ đồng cho đường hoa Tết và hệ thống điện chiếu sáng. Theo đó, các khu đường hoa tập trung chủ yếu trên tuyến đường ven sông Hàn. Có 14 vị trí nổi bật, gồm khu vực trước Trung tâm hành chính thành phố, vỉa hè trên các tuyến đường Bạch Đằng và Trần Phú, cùng các quảng trường và khu vực chân cầu Rồng...