Đoàn kèn nông dân hơn 100 năm tuổi

Đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định được xem là đoàn kèn Tây lớn nhất cả nước, với trên 800 thành viên. Điều đáng nói là tất cả các thành viên của đoàn kèn đều là những người nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn”. Họ vừa làm nông nghiệp, vừa học và thổi kèn Tây, một bộ môn nghệ thuật vốn vẫn được coi là xa lạ với người nông dân.

 

Đội kèn Tây biểu diễn.

 

Ra đời từ năm 1910, ban đầu Đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo có tên là Hội kèn Phạm Pháo do ông Vũ Văn Ổn làm Trưởng hội, chỉ với 30 thành viên và 7 nhạc cụ. Sau hơn 100 năm hình thành, phát triển và trải qua nhiều biến đổi, đến nay Hội kèn Phạm Pháo đã đổi tên thành Đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo với 800 thành viên ở 12 hội trên địa bàn xã Hải Minh.

Ông Phạm Ngọc Ring, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Phạm Pháo cho biết: Với lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, đến nay Đoàn kèn vẫn tiếp tục duy trì được hoạt động một cách bài bản, quy củ. Hiện nay, Đoàn kèn được chia làm 12 hội kèn nhỏ nằm rải rác ở 26 thôn của xã Hải Minh. Mỗi Hội kèn có số lượng thành viên từ 40 - 100 người ở độ tuổi từ 16 - 70 tuổi và đều có một trưởng hội phụ trách công việc giảng dạy hoặc tổ chức các lớp học về kèn cho các thành viên trong hội. Bình thường các thành viên trong đoàn kèn sinh hoạt, tập kèn và biểu diễn theo các hội. Các hội kèn đều thường xuyên mở các lớp đào tạo và mời các nhạc sỹ ở Trung ương hay ở địa phương về giảng dạy như các nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên, Nguyễn Hữu Quách, Thanh Hải... Vào những dịp quan trọng ở trong và ngoài tỉnh hay Trung ương tổ chức, thành viên của 12 hội lại tập trung nhau lại ở đoàn kèn cùng tập luyện để biểu diễn.


Để học thổi được các loại kèn nói chung ngoài năng khiếu rất cần đam mê và sự kiên trì, chịu khó. Các thành viên của đoàn kèn đều xuất thân là những người nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn”, ít được tiếp xúc với âm nhạc cũng như các loại nhạc cụ. Tuy nhiên, kèn tây dường như đã gắn liền với cuộc đời họ từ khi mới sinh ra cho đến khi lớn lên. Sống trong âm thanh của tiếng kèn, đắm mình trong tiếng kèn, lại được nhìn những người xung quanh chơi kèn đã hình thành trong mỗi người dân nơi đây tình yêu, niềm đam mê rất lớn đối với kèn tây và khả năng thẩm thấu âm thanh của tiếng kèn rất tốt. Thường các nam thanh niên công giáo ở xã Hải Minh sẽ được cho đi đào tạo bài bản về nhạc cụ khi tròn 16 tuổi. Do đã được tiếp xúc với các loại kèn từ nhỏ nên nhiều nhất là 1 năm các em đã có thể thổi thành thạo loại kèn được học và chính thức trở thành thành viên của đoàn kèn.


Trong đoàn kèn cũng có sự phân chia số lượng người sử dụng các loại kèn khác nhau để tạo ra được sự cân bằng, hợp lý khi cùng nhau chơi một bản nhạc. Có khoảng hơn 10 nhạc cụ được sử dụng trong đoàn kèn như kèn Clarinet, Saxophones, Trumpet, Alto saxophones, Trombone, Baritone, Bass, Tubas và dàn trống... Trong đó, loại kèn được sử dụng nhiều nhất và nhiều người chơi nhất là kèn đồng. Do có nhiều loại kèn khác nhau nên ở mỗi hội kèn đều có sự phân chia cho mỗi thành viên sử dụng một loại kèn tùy vào năng khiếu, sức khỏe của từng người. Toàn bộ số kèn được sử dụng trong đoàn đều được mua ở nước ngoài như Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Nhật Bản...


Các hoạt động của Đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo từ khi ra đời cho đến nay đều là biểu diễn phục vụ những ngày lễ của công giáo và các hoạt động xã hội như những ngày tuần chầu, ngày lễ Giáng sinh, các ngày lễ lớn của Giáo xứ trong tỉnh, ngày Quốc khánh, các dịp lễ hội, ngày kỷ niệm, hội nghị trong và ngoài tỉnh... Các bản nhạc được Đoàn kèn sử dụng thường là các bản nhạc nổi tiếng hoặc các bản nhạc do Đoàn kèn tự biên soạn với nội dung ca ngợi ca ngợi quê hương, đất nước như Mùa xuân trên TP.HCM, Bài ca non sông, Xuân chiến thắng, các bản nhạc Pháp, các bản hùng ca...


Ông Nguyễn Văn Khoát, xóm 10, xã Hải Minh, Nhạc trưởng được phân công chỉ huy trong mỗi dịp đoàn kèn tham gia biểu diễn cho biết: “Trước mỗi dịp lễ lớn, quan trọng cần huy động cả đoàn kèn thì 800 thành viên trong đoàn sẽ tập trung nhau lại trước đó khoảng 15 - 20 ngày để khớp bài. Các thành viên trong đoàn phải học khoảng 30 bài nhạc ở nhiều thể loại khác nhau để có thể biểu diễn ở từng sự kiện khác nhau sao cho phù hợp”.


Có thể nói, sự đam mê, lòng nhiệt huyết và cả sự kiên trì của từng “nghệ sỹ” nông dân thổi kèn tài hoa Hải Minh đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây.


Thùy Dung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN