Thời gian gần đây, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố và Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã đồng loạt ra quân kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường. “Kịch bản xấu” của việc thực hiện quy định đồ chơi trẻ em phải dán tem hợp quy (CR) ít nhiều cũng đã được các cơ quan chức năng dự đoán trước.
Những đồ chơi trẻ em sẽ phải gắn dấu hợp quy khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Trần Thanh Giang-TTXVN |
Sai phạm về nhãn hàng hóa và dấu CR
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (QLCL) sản phẩm hàng hóa cho biết: Qua đợt kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em (ĐCTE) mới đây do Cục QLCL chủ trì tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế với 80 cơ sở và 572 mẫu hàng hóa, cho thấy: Có 174/572 mẫu vi phạm nhãn hàng hóa; 144/572 mẫu không có tem CR.
Cơ quan liên ngành cũng đã phát hiện 2 mẫu tại TP.HCM không đạt yêu cầu về chỉ tiêu giới hạn mức xâm nhập của các độc tố và độ pH. Trước tình hình này, Chi cục QLCL sản phẩm, hàng hóa miền Nam đã ra thông báo tạm dừng lưu thông đối với 2 mẫu ĐCTE không đạt yêu cầu chất lượng của 2 cơ sở kinh doanh tại TP.HCM.
Báo cáo mới nhất của 24 chi cục các tỉnh, thành phố, trong tổng số 3.269 mặt hàng được kiểm tra thì có 1.258 không có dấu CR. Các chi cục đã tạm đình chỉ lưu thông gần 1.800 sản phẩm và 14 lô hàng của 10 cơ sở, chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 6 cơ sở; phạt hành chính 5 cơ sở với số tiền hơn 9 triệu đồng; tịch thu và tiêu hủy hàng trăm loại đồ chơi mang tính bạo lực.
Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho biết: Phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh ĐCTE trên thị trường sai phạm chủ yếu về nhãn hàng hóa và gắn dấu CR không phù hợp các quy định; một số ĐCTE không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; việc xử lý hàng tồn gặp nhiều khó khăn do thời gian trả kết quả quá dài; việc chuyển hồ sơ xử lý cho thanh tra và quản lý thị trường còn gặp khó khăn trong thủ tục; báo cáo kết quả kiểm tra tại một số chi cục TCĐLCL địa phương còn chậm, gây khó khăn cho việc tổng hợp, đánh giá.
Hàng nhập lậu - khó quản
“Hiện nay chúng tôi chưa có con số thống kê về thị phần ĐCTE nhập lậu. Muốn có số liệu chính xác thì phải có chương trình, đề tài nghiên cứu với quy mô lớn. Ước tính sơ bộ hiện có gần 85% ĐCTE trên thị trường là nhập ngoại. Phần lớn hàng nhập ngoại lại là hàng lậu. Còn hàng nhập khẩu theo đường chính ngạch thì nhiều doanh nghiệp đang tuân thủ rất tốt, nhưng giá lại cao”, đại diện Tổng cục TCĐLCL trăn trở.
Do vậy, khó khăn lớn nhất trong việc quản lý ĐCTE là những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái. Các cơ sở buôn bán hàng nhập lậu luôn né tránh gắn dấu CR vì để dán tem CR, hàng hóa đó phải được một tổ chức kiểm định có uy tín kiểm tra, xác nhận. Do không có hóa đơn chứng từ nên những “đầu nậu” hàng lậu không muốn “vạch áo cho người xem lưng”.
Đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn chia sẻ: Tỉnh Lạng Sơn có 4 cửa khẩu đường bộ: Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam, Chi Ma, ngoài ra còn một cửa khẩu đường sắt là Đồng Đăng. Thời gian qua, việc kiểm định, dán tem ĐCTE rất phức tạp. Một lô hàng có nhiều mặt hàng, chủng loại. Có những thứ hàng lớn như xe hơi mô hình, rôbốt, thú bông… có những thứ lắt nhắt như lính chì, búp bê… khiến việc kiểm định gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém.
Theo quy định của Bộ Công Thương, người dân biên giới khi đi qua cửa khẩu được phép mang hàng miễn thuế trị giá dưới 2 triệu đồng. Vì vậy, nhiều người vẫn lợi dụng hình thức này để nhập hàng qua biên giới, cơ quan hải quan biết nhưng rất khó xử lý. Chính vì vậy vẫn tồn tại những mặt hàng tại các chợ biên giới không có tem CR. Tuy nhiên sau hàng loạt các biện pháp tuyên truyền tới các tiểu thương, Lạng Sơn cũng đang được đánh giá là địa bàn quản lý ĐCTE có hiệu quả.
Cần vào cuộc mạnh hơn
Theo ông Hùng, để quản lý chất lượng hàng hóa hiệu quả, đặc biệt là ĐCTE phải có sự gắn kết của ba nhà: Doanh nghiệp (nhà nhập khẩu - sản xuất - phân phối) - quản lý nhà nước và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: Việc dán tem CR, ví dụ trên mũ bảo hiểm là để khẳng định sản phẩm này đảm bảo chất lượng và an toàn theo quy định của Nhà nước. Để hoạt động này có hiệu quả, tất cả người tiêu dùng phải ủng hộ, nghĩa là phải mua và sử dụng những sản phẩm có dán tem CR.
Theo khảo sát của phóng viên Tin Tức, trên thị trường Việt Nam đang có nhiều nhãn đồ chơi giáo dục sản xuất trong nước, hay nhập khẩu chính ngạch như: Veesano, LEGO, ETIC... nhưng “đụng” vào những đồ chơi này là phải mất tiền trăm, tiền triệu. Trong khi chỉ với vài chục ngàn và đắt nhất là vài trăm ngàn đồng, người tiêu dùng đã có thể mua được những món đồ chơi nhiều tính năng, bắt mắt của Trung Quốc nên cũng không quan tâm món đồ chơi đó có dán tem hay không. Thực tế này khiến không ít phụ huynh băn khoăn khi chọn đồ chơi cho con mình.
“Nếu chúng ta chưa nhận thức đầy đủ giá trị của việc dán tem và chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng thì không một cơ quan, không một cá nhân nào có thể làm được. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng mũ bảo hiểm không dán tem, đội mũ chỉ mang tính đối phó nên vô tình đã tiếp tay cho những sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng”, ông Sơn nói.
Không chỉ vậy, đại diện Cục QLCL sản phẩm hàng hóa còn cho rằng: Sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành tại một số địa phương còn chưa chặt chẽ, xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, khiến cho việc quản lý mặt hàng này gặp nhiều khó khăn.
Minh Phương