Tại Bắc Bộ, từ ngày 30/4 đến 1/5, ngày trời nắng, chiều tối có mưa dông cục bộ, riêng khu Tây Bắc có mưa rào và dông nhiều nơi tập trung vào chiều tối và đêm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ngày 2/5, nắng nóng sẽ xuất hiện cục bộ ở khu vực phía Tây Bắc Bộ. Từ ngày 3/5, nắng nóng xảy ra diện rộng ở khu vực này với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ C; ở phía Đông Bắc Bộ nắng nóng có khả năng xảy ra cục bộ ở khu vực đồng bằng và trung du.
Thủ đô Hà Nội từ 30/4 - 1/5, ngày nắng, đêm không mưa. Ngày 2 - 3/5, ngày nắng, chiều tối và đêm có khả năng xuất hiện mưa rào và dông kèm nguy cơ cao lốc, sét, gió giật mạnh.
Trung Bộ từ ngày 30/4 đến 3/5, các tỉnh ven biển Trung Bộ ngày trời nắng, chiều tối và đêm có mưa dông cục bộ. Riêng các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ ngày 2/5 xuất hiện nắng nóng cục bộ ở khu vực vùng núi phía Tây; ngày 3/5, nắng nóng sẽ ở diện rộng tại các nơi khác ở khu vực này với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 38 độ C. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Tây Nguyên và Nam Bộ, ngày nắng, cục bộ có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa dông rải rác kèm theo nguy cơ cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Đề cập đến đợt nắng nóng sắp tới, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, từ ngày 3/5, các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ bắt đầu bước vào một đợt nắng nóng diện rộng. Đợt nắng nóng này sẽ gia tăng cường độ gay gắt vào đầu tuần sau (từ ngày 4/5) và có thể kéo dài nhiều ngày sau đó. Đây sẽ là đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng đầu tiên trong mùa hè năm nay. Trong đợt nắng nóng này, dự báo nhiệt độ cao nhất trong tuần sau ở Hà Nội có thể đạt 37-38 độ C, ở một số nơi thuộc vùng núi các tỉnh Trung Bộ nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt trên 40 độ C.
"Đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá, đặc biệt là thời kỳ giao mùa từ tháng 4 đến nửa cuối tháng 5 trên phạm vi toàn quốc. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5. Cùng với đó, đề phòng gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam vào thời kỳ tháng 6 - 8/2020 ở các vùng biển phía Nam Biển Đông", ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết thêm, lượng mưa có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ với trung bình nhiều năm trong những tháng đầu mùa, nhưng khả năng sẽ có xu hướng cao hơn vào những tháng cuối mùa ở các tỉnh miền Trung và phía Nam (từ khoảng tháng 9 đến những tháng cuối năm), đề phòng các đợt mưa lớn, có thể gây nguy cơ lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất đá ở các nơi xung yếu tại vùng núi phía Bắc và khu vực Trung Bộ, ngập úng ở những nơi trũng thấp trong mùa mưa trên các khu vực.
Theo nhận định thì khối không khí lạnh gây mưa rét ở miền Bắc đang suy yếu, Bắc Bộ đang giảm mưa và có dấu hiệu ấm lên, dự báo trong khoảng từ nay đến hết tháng 5 còn khoảng 2-3 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, nhưng cường độ của các đợt này là không mạnh như đợt ngày 22 - 23/4 vừa rồi, vì thể ít có khả năng gây rét sâu ở Bắc Bộ như trong đợt vừa qua. Tuy vậy, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo các đợt không khí lạnh trong giai đoạn giao mùa này khi di chuyển xuống nước ta thường tranh chấp với khối không khí nóng ẩm và hay gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.
Lý giải về nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm diễn ra đầu năm 2020 (mưa đá, dông, lốc, sét...), ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, nguyên nhân của các hiện tượng thời tiết cực đoan một phần do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan có nguy cơ xuất hiện ngày một nhiều hơn. Mặt khác, do có tác động của nhiều tổ hợp thời tiết xấu ảnh hưởng, cùng lúc đó là khối không khí lạnh, hội tụ gió trên 5.000 m kết hợp với nhau gây ra.