“Chảy máu chất xám”
Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) đi vào cuộc sống, hàng hóa có cơ hội tiếp cận sâu hơn vào các thị trường có nhu cầu tiêu dùng lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada… thông qua ưu đãi thuế quan. Điều này đồng nghĩa với tình hình thu hút đầu tư nước ngoài gia tăng trong thời gian tới, nhất là các tập đoàn lớn. Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, thu nhập của người lao động cũng từng bước được cải thiện.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 54,32 triệu người. Dự kiến, nếu một số hiệp định thương mại chính thức có hiệu lực thì thị trường lao động sẽ tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, sẽ tập trung vào các ngành vốn thâm dụng lớn về lao động như: may mặc, da giày, thủy hải sản, lắp ráp thiết bị điện tử… Theo đó, khi tham gia AEC số lượng việc làm của Việt Nam tăng 14,5% vào năm 2025. Riêng với thị trường AEC, Việt Nam chiếm 15% tổng lực lượng lao động. Đối với TPP, thị trường lao động Việt Nam cũng được đánh giá cao khi dân số vàng đang tạo ra nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế.
Cần nâng cao tay nghề lao động để tăng năng suất cho người lao động trong nước. |
Tuy nhiên, TS. Phạm Văn Chắt, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, khi AEC và TPP chính thức đi vào hoạt động thì lượng lao động nước ngoài từ các ngành như kiến trúc, bác sĩ, nha sĩ... sẽ di chuyển tự do vào Việt Nam. Bản thân lao động Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh gay gắt từ nguồn lao động các nước trong nội khối. Ngược lại, lượng lao động Việt Nam xuất khẩu sang các nước cũng ở mức cao. Đây chính là điều kiện tốt để lao động có trình độ cao của Việt Nam lựa chọn môi trường làm việc phù hợp, tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, nguy cơ “chảy máu chất xám” cũng sẽ xảy ra nếu chúng ta không có chính sách tốt để bảo vệ nguồn lực này.
Tăng năng suất
Mặc dù cơ hội mở ra cho thị trường lao động Việt Nam khá lớn song thị trường lao động Việt Nam cũng phải đối mặt hai vấn đề lớn. Thứ nhất, lao động có trình độ cao, chuyên môn giỏi “di cư” sang môi trường làm việc “ngoại” đầy tiềm năng khác. Thứ hai, xét trên bình diện chung thì số lao động còn lại không đáp ứng được nhu cầu phát triển vì trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam quá thấp.
Theo thống kê của Tổng Cục Thống kê, dù liên tục tăng năng suất lao động trong thời gian qua, song năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/18 của Singapore, 1/6 của Malaysia, 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc. Ví dụ cụ thể trong ngành da giày, nếu dựa trên thời gian gia công và giá gia công cho ra kết quả, trung bình một lao động ngành da giày hoặc dệt may Việt Nam làm ra 1,5 USD/giờ. Còn tại Indonesia và Thái Lan một công nhân có thể thu về 3 USD/giờ. Chính vì năng suất lao động thấp nên lương tối thiểu chỉ mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tối thiểu và khoảng 80% lao động Việt Nam không có tích luỹ hoặc tích lũy thấp.
Để hạn chế tình trạng di cư lao động chất lượng cao, đồng thời tăng năng suất lao động trong nước, ông Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc Gia TP. HCM) cho rằng, muốn phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của thị trường lao động trong nước khi mở rộng thị trường, Việt Nam cần phải có những đánh giá xác thực về thị trường lao động trong nước. Từ đó tìm ra giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng lao động, cải thiện các điều kiện lao động trong nước nhằm thu hút lao động chất lượng cao để họ yên tâm làm việc tại quê hương.
PGS. TS. Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Điều hành trường đại học Văn Hiến cũng đề xuất, muốn tăng năng suất lao động cần phải đẩy mạnh hoạt động đào tạo đội ngũ lao động chuyên môn có tay nghề cao. Đồng thời, thực hiện tái cấu trúc lại một số ngành theo hướng hiện đại bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động.