Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội), thành phố hiện có khoảng 260 xe xích lô du lịch đăng ký, được cấp giấy phép hoạt động, nhưng trong đợt kiểm tra hoạt động xích lô tháng 5/2011, lực lượng liên ngành Thanh tra giao thông-CSGT đã phát hiện có tới 800 xích lô “dù” hoạt động không phép, không theo lộ trình, không có giờ quy định, không giữ đúng khoảng cách khi lưu thông, gây lộn xộn cho giao thông Thủ đô. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng thành phố đang triển khai lộ trình chấn chỉnh ý thức chấp hành luật, tiến tới dẹp hẳn xích lô “dù”.
Bát nháo!
Theo Quyết định số 100/2007/QĐ-UBND TP Hà Nội (ngày 6/9/2007), thời gian hoạt động của xe xích lô du lịch là ngoài giờ cao điểm, mỗi xe chỉ được phép chở tối đa 1 người lớn và 1 trẻ em, mỗi đoàn được phép lưu thông tối đa 5 xe và các đoàn cách nhau tối thiểu 100 mét. Xe phải có giấy chứng nhận đăng ký, biển kiểm soát do Công an TP Hà Nội cấp, người điều khiển xe phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và giấy điều khiển xích lô do cơ quan chức năng cấp... Tuy nhiên, hầu hết xe xích lô được lực lượng liên ngành kiểm tra không những không đáp ứng các quy định nêu trên, mà còn vi phạm các quy định về an toàn giao thông (ATGT).
Xích lô hoạt động chở khách du lịch phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Ảnh: Lê Phú |
Đội CSGT số 1 chốt trực khu vực quận Hoàn Kiếm cho biết, cứ kiểm tra là phát hiện xích lô vi phạm. Không chỉ riêng xích lô “dù”, cả xích lô có đăng ký cũng vi phạm các quy định về ATGT như: Phương tiện không chính chủ, không giữ đúng khoảng cách khi lưu thông, không có biển kiểm soát hoặc có biển kiểm soát nhưng đã hết hạn sử dụng. Bên cạnh đó, các trường hợp xích lô “dù” khi bị kiểm tra trong quá trình lưu thông còn không nắm được các lộ trình hoạt động đã góp phần gây ùn tắc giao thông (UTGT) trên nhiều tuyến phố. Nếu cộng dồn các đợt ra quân kiểm tra hoạt động xích lô và thu giữ từ năm 2009 đến nay, Đội CSGT số 1 đang thu giữ tới 300 xích lô “dù”.
Từ năm 2009, TP đã từng có đề xuất xóa bỏ toàn bộ hoạt động xích lô sau năm 2010. Tuy nhiên, do nhiều ý kiến cho rằng nên giữ hình ảnh xích lô như một nét đẹp văn hóa của Thủ đô, nên đã không cấm mà chỉ cho phép các xích lô du lịch có đăng ký hoạt động. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội chỉ cấp phép cho 263 xe xích lô thuộc 4 doanh nghiệp là Công ty Thương mại và Du lịch Văn Hóa (29 xe), Công ty Cổ phần Huy Phong (90 xe), Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Lâm Anh (49 xe), Công ty TNHH Dịch vụ xích lô du lịch Không Lo Âu-Sans Souci (95 xe) hoạt động chở khách du lịch. Các doanh nghiệp này đều phải tuân thủ đúng các quy định của TP trong hoạt động xích lô. Tuy nhiên, trong suốt gần 2 năm qua, do không bị quản chặt, số lượng xích lô không những “phình” ra cả nghìn chiếc, mà hầu hết đều phớt lờ các quy định về đảm bảo ATGT.
Được biết, Sở GTVT Hà Nội đã bố trí hai điểm đỗ xích lô du lịch tại vỉa hè đường Yên Phụ (đoạn gần Công ty Nước sạch Hà Nội) và vỉa hè đường Trần Quang Khải (đối diện số nhà 126) (quận Hoàn Kiếm); đồng thời quy định xích lô chỉ được phép hoạt động ngoài giờ cao điểm trên hai lộ trình: Yên Phụ-Cửa Bắc-Nguyễn Tri Phương-Thành cổ Hà Nội và Yên Phụ-Trần Nhật Duật-Trần Quang Khải-Lê Phụng Hiểu-Ngô Quyền-Tràng Tiền-Đinh Tiên Hoàng-Lê Thái Tổ-Hàng Khay-Đinh Tiên Hoàng-Hàng Dầu-Cầu Gỗ-Trần Quang Khải, nhưng trên thực tế hiện có rất đông phương tiện này thường tập kết tại các khu vực như Vườn hoa Cổ Tân-dốc Bác Cổ, khu vực vườn hoa tượng đài Quyết tử-phố Hàng Dầu, khu vực Đền Ngọc Sơn, khu phố cổ, xung quanh hồ Hoàn Kiếm... để đón trả khách gây mất trật tự ATGT.
Chưa hết, theo quy định, mỗi đoàn xích lô chỉ được tối đa 5 xe, khoảng cách mỗi đoàn 100 mét, nhưng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hình ảnh cả đoàn xích lô từ 15-20 chiếc rồng rắn nối đuôi nhau dọc trên những khu phố cổ bây giờ như là chuyện đương nhiên. Thậm chí, nhiều tuyến đường, xích lô còn đỗ ngổn ngang ở ngã tư, dàn hàng ngang diễu phố, vượt đèn đỏ... khiến nhiều tuyến đường, nhất là trong khu phố cổ đã nhỏ lại càng dễ ùn tắc. Thêm vào đó, một số tuyến phố cấm xe xích lô hoạt động hiện không có biển cấm, nên các xe cứ thế đi vào. Có thể nói, những bất cập trong công tác quản lý đã khiến loại phương tiện này bùng phát với tốc độ chóng mặt, ảnh hưởng đến trật tự giao thông đô thị. Đặc biệt, hoạt động của xích lô “dù” chèo kéo khách, cướp khách… còn đang làm mất đi hình ảnh, nét đẹp văn hóa của xích lô và Hà Nội trong mắt du khách.
Loại bỏ xích lô “dù”
Để quản con số 800 xích lô “dù” đang hoạt động bát nháo hàng ngày tại Hà Nội, liên ngành Công an TP và Sở GTVT sẽ triển khai kế hoạch kiên quyết loại bỏ xích lô "dù" từ nay đến cuối năm 2011.
Theo đó, từ nay đến hết 30/9/2011, lực lượng liên ngành sẽ tập trung nhân lực, phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các xích lô vi phạm tại khu vực phố cổ, xung quanh hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố chính và nút giao thông trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của lái xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xích lô. Từ 1/10-31/12/2011, ngoài việc tiếp tục xử lý vi phạm nêu trên, trên cơ sở kết quả kiểm tra, xử lý, các tổ kiểm tra liên ngành sẽ tổng hợp, thống kê số lượng xích lô, doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đề xuất cấp có thẩm quyền về hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xích lô trên địa bàn TP và thu hồi xích lô không có đăng ký.
Việc loại bỏ xích lô “dù” hiện nay là cần thiết, nhằm lập lại trật tự giao thông đô thị vốn đang rối như tơ vò. Tuy nhiên, công tác xử lý, chấn chỉnh vi phạm pháp luật ATGT đối với xe xích lô đang gặp khá nhiều vướng mắc và nhiều luồng ý kiến. Chẳng hạn, khi dừng xe xích lô để kiểm tra vi phạm, lực lượng chức năng thường gặp phản ứng của khách nước ngoài, họ cho rằng "không văn minh, lịch sự”. Bên cạnh đó, các tuyến phố cấm xe xích lô hoạt động hiện nay đều không có biển cấm, khi xử lý người vi phạm thường lấy lý do không có biển cấm nên đi vào, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác xử phạt. Ngoài ra, chế tài xử lý xích lô vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Còn các doanh nghiệp thì cho rằng không nên cấm hoạt động xích lô, bởi nhiều du khách khi đến với Hà Nội thường có nhu cầu đi xích lô, coi đây như là nét văn hóa của Thủ đô và việc chấn chỉnh hoạt động xích lô cần được các cơ quan chức năng quản chặt, doanh nghiệp nào vi phạm phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Có thể thấy, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm của xích lô hiện nay mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề trật tự ATGT. Muốn giải quyết triệt để vi phạm thì phải bắt đầu từ chính đơn vị quản lý, kinh doanh vận tải khách bằng xích lô. Do đó, để hiện thực hóa kế hoạch “khai tử” xích lô “dù”, có lẽ việc cần làm trước mắt hiện nay là lực lượng liên ngành cần tập trung kiểm tra đối với các doanh nghiệp xích lô về chất lượng người lái, chấp hành các quy định của pháp luật về thể lệ vận tải, đăng ký, kiểm định, số lượng xích lô...