Sau 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), hiện tượng nợ đọng và chậm đóng BHXH vẫn phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị cần nghiên cứu để đưa hành vi trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền đóng BHXH của các doanh nghiệp vào Luật Hình sự.
Rút tài khoản để trốn đóng
Kết quả giám sát tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy: Từ năm 2008 đến năm 2010, số nợ đọng BHXH giảm (từ 2.291,9 tỷ đồng xuống còn 1.723 tỷ đồng). Tuy nhiên, năm 2011, số nợ đọng này tăng vọt. Mới tính đến hết 31/8/2011, tổng số nợ đọng BHXH đã lên đến 4.611 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội Hà Nội giải quyết tốt chế độ cho các đơn vị và đối tượng đến giao dịch theo hình thức "một cửa". Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Còn theo BHXH TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2010, đã có tới 19.139 doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng BHXH của trên 687.000 người lao động. Chỉ tính riêng số nợ trên 12 tháng đã có tới 205 DN nợ tổng cộng 75 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp nợ trên 10 tỷ đồng.
Trước tình trạng này, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết, nhiều địa phương hiện đang thực hiện công bố rộng rãi danh tính các doanh nghiệp vi phạm, có đơn vị còn phối hợp với ngân hàng đề xuất phong tỏa tài khoản hoặc trích tiền từ tài khoản doanh nghiệp để chuyển đóng BHXH cho người lao động. Giải pháp đòi nợ kiểu này cũng đang được BHXH TPHCM thực hiện. Nhưng, hầu hết doanh nghiệp đối phó bằng cách rút hết tiền trong tài khoản.
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, các biện pháp xử phạt hành vi vi phạm pháp luật BHXH chưa đủ sức răn đe, thiếu tính nghiêm minh và kịp thời. Một trong những bất cập của Luật BHXH là không có quy định xử lý hình sự đối với những trường hợp chây ì, nợ đọng BHXH kéo dài. Nhiều đại diện BHXH các địa phương đều kêu: Mức xử phạt tối đa không quá 20 triệu đồng đối với hành vi chậm đóng hoặc không đóng BHXH là quá nhẹ, dẫn đến nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để trốn đóng hoặc chiếm dụng hàng tỷ đồng BHXH.
Giải pháp hiệu quả nhất mà cơ quan BHXH TPHCM thực hiện là khởi kiện. Nhưng theo cơ quan này, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa cũng rất gian nan, do những vướng mắc về luật, do thủ tục phức tạp, do tốn kém thời gian và công sức. “Ngay cả khi thắng kiện cũng không giải quyết được hoàn toàn vụ việc do chủ doanh nghiệp có thời gian bỏ trốn, không đủ khả năng trả nợ cho BHXH, nợ lương công nhân, nợ mới phát sinh... Người lao động là người chịu thiệt thòi nhất”, ông Mai Đức Chính nói.
Cần sớm sửa luật BHXH
“Xét tổng thể, số nợ đọng BHXH không quá lớn so với tổng số thu và có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây nhưng lại ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến người lao động”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một bất cập khác hiện nay là khó quản lý các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Theo ông Mai Đức Chính, phản ánh của các cấp công đoàn và người lao động cho thấy, cơ quan BHXH không xác định được chính xác số lượng đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động cũng như số người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều này, cùng với việc doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng, hậu quả là hàng trăm ngàn người lao động bị “mất trắng” quyền lợi BHXH.
Mặt khác, theo ông Chính, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BHXH còn rất hạn chế. Trong khi, cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, cơ quan BHXH và Công đoàn vẫn còn chưa chặt chẽ, việc xử lý các vụ việc chậm và thiếu tính răn đe, thậm chí có biểu hiện vì lợi ích cục bộ địa phương mà xử lý thiếu kiên quyết làm cho tình trạng vi phạm pháp luật BHXH trở nên phức tạp, dây dưa, kéo dài.
Trước nhiều bất cập nêu trên, theo bà Trần Thị Thúy Nga, với các doanh nghiệp nợ, chậm đóng hoặc chiếm dụng số tiền đóng BHXH của người lao động để làm việc khác, việc công khai danh tính trên các phương tiện truyền thông hay khởi kiện ra tòa các doanh nghiệp này chỉ là giải pháp tình thế. Còn về lâu dài, cần hoàn thiện hệ thống luật pháp. Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị quy định chế tài xử phạt vi phạm Luật BHXH trong đó có vấn đề nợ đọng BHXH như quy định của Luật Thuế; hành vi trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền đóng BHXH cần được nghiên cứu đưa vào Luật hình sự.
Bên cạnh đó, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc ký kết Hợp đồng lao động và đóng BHXH cho người lao động ở các doanh nghiệp, đề nghị với Chính phủ thành lập thanh tra chuyên ngành BHXH thuộc BHXH Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH.
Mạnh Minh