Đất nứt, dân nơm nớp lo sợ

Từ nhiều năm qua, hàng chục hộ dân các thôn Phong Thái, Thái Long, Quang Thuận thuộc xã miền núi An Lĩnh, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ nhà cửa tiếp tục bị nứt, đổ do nứt đất.

 

Tình trạng nứt đất ở xã An Lĩnh bắt đầu xảy ra từ năm 1999 đến 2000 nhưng chưa được khảo sát, xử lý dứt điểm thì mùa mưa lũ năm 2009 lại tái diễn và hiện có hơn 50 nhà dân bị ảnh hưởng.

 

Ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 36 m2 của gia đình anh Trần Quốc Vương ở vùng 7 thôn Phong Thái nằm bên dưới con đường chính của xã. Từ năm 1999, do nứt đất nên các tường nhà bắt đầu bị nứt và mỗi năm một nặng thêm. Hiện nay, nhiều vị trí như tường bị đổ nghiêng, trên tường có nhiều đường nứt dài từ 2m đến 5m, móng nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào.

 

Quốc lộ 1A qua Tuy An - Phú Yên bị nứt hồi cuối năm 2010. Ảnh: 24h.

 

Anh Nguyễn Quốc Vương cho biết: “Năm 1999, tối ngủ sáng ra đã thấy mặt sân giựt xuống gần một tấc, tường bị nứt. Từ đó đến nay hàng năm cứ lún dần, bây giờ vách nứt ra, cửa đóng không được, toàn bộ tường phía sau nhà đã nứt và nghiêng, sập lúc nào không hay”.

 

Tương tự nhà bà Trần Thị Phong ở vùng 4 thôn Phong Thái cũng vậy, nhưng mức độ nhẹ hơn. Mùa mưa năm 2009 do nứt đất nên nhà bác Phong bị giựt móng (xuống móng) một đường dài khoảng 3m; tường phía trước cũng bị nứt một đoạn và hai vị trí khác phía sau nhà bị nặng hơn, buộc phải trám xi măng nhưng cửa sổ thì không đóng lại được.

 

Những ngôi nhà bị ảnh hưởng hậu quả của nứt đất là tường bị nứt, nghiêng; các vách tường bị tách ra, có nơi đất nền nhà bị “đội” lên hoặc nứt…. Sau khi xảy ra tình trạng nứt đất, xã An Lĩnh đã xây dựng Khu tái định cư Giếng Dông rộng 12 ha, nhưng đến nay chỉ 12 hộ đến xây nhà. Nguyên nhân chính là đời sống người dân còn quá khó khăn, giao thông cách trở vì dốc đứng. Nhưng quan trọng hơn là nếu đến định cư tại khu Giếng Dông thì vẫn phải quay trở lại nơi ở cũ để canh tác đất vườn, đất rẫy kiếm sống. Đó là chưa kể muốn có nước sinh hoạt phải dùng máy bơm để bơm nước từ dưới ao lên cách điểm gần nhất của khu định cư là 70m. Hiện nay, nguồn sống chủ yếu của hơn 1.200 hộ dân xã An Lĩnh dựa vào 485 ha chuối và 590 ha mía gò đồi năng suất khá thấp.

 

Anh Nguyễn Quang Trung- cán bộ địa chính xã An Lĩnh cho biết: “Ở thôn Phong Thái có hơn 40 hộ bị ảnh hưởng nứt đất được cấp 300 m2 đất ở tại Giếng Dông, nhưng đến nay chỉ 10 hộ đến định cư; những hộ còn lại vẫn “bám” lấy nhà và làm vườn để sinh sống. Họ cho biết khi nào thấy nhà quá nguy hiểm thì mới đi đến nơi tái định cư. Hay như ở thôn Quang Thuận có 5 hộ buộc phải di dời, thì 2 hộ đã chấp nhận vào khu tái định cư; 3 hộ còn lại được UBND xã cấp đất thuộc qũy đất của xã để họ định cư nơi gần đó, vì từ nhà đến khu tái định cư gần 5 km, mà đường sá toàn dốc, đá”.

 

Có thể nói giải pháp định cư của chính quyền xã An Lĩnh chỉ làm tạm thời, thiết nghĩ, UBND tỉnh Phú Yên cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm điều tra, khảo sát địa chất vùng đất An Lĩnh để trên cơ sở đó quy hoạch lại các khu dân cư, nhằm đảm bảo cuộc sống người dân đang định cư ở độ cao khoảng 110m so với mặt nước biển nơi đây.

 

 

Thế Lập

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN