Đào tạo nhân lực CTXH gặp khó?

Nhu cầu về nghề công tác xã hội (CTXH) ngày càng tăng, trong khi đội ngũ những người chuyên nghiệp CTXH lại đang rất thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc nâng cao chất lượng nhân lực làm CTXH là yêu cầu bức thiết để nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội trong thời gian tới.


Hiện nay, nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực có chuyên môn về CTXH rất lớn, tuy nhiên công tác đào tạo đội ngũ này đang gặp phải nhiều khó khăn.


Thiếu người dạy


Theo báo cáo của Trường ĐH Lao động - Xã hội (cơ sở II - TP Hồ Chí Minh): Hiện, cả nước có gần 40 trường CĐ, ĐH triển khai tuyển sinh khoảng 2.000 sinh viên chuyên ngành CTXH. Thế nhưng, cả nước chỉ có 1 tiến sỹ về CTXH hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Lao động - Xã hội (Hà Nội). Số giảng viên có bằng thạc sỹ khả quan hơn nhưng cũng chỉ khoảng 30 - 40 người. Trong đó, đa phần là được đào tạo tại nước ngoài nên họ thiếu kinh nghiệm thực tiễn về văn hóa xã hội Việt Nam và cần một thời gian để chuyển hóa những kiến thức được đào tạo tại nước ngoài vào thực tiễn Việt Nam. Số giảng viên còn lại hầu hết có bằng cấp ở các ngành nghề khác và được đào tạo tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ năng CTXH. Thậm chí, có trường hầu như chưa có người nào được đào tạo về CTXH, mà chủ yếu sử dụng những người có đào tạo ngành học gần với CTXH. Số lượng giảng viên trên chưa đáp ứng được nhu cầu theo học của sinh viên - học sinh.


Khám chữa bệnh cho người già tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN


Trên thế giới, nghề CTXH đã có gần 100 năm, nhưng ở nước ta nghề này chỉ mới xuất hiện. Năm 2004, mã đào tạo nghề này mới được Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa vào hệ thống đào tạo. Cho nên, nhiều trường đang rất lúng túng với công tác thực hành và thực tập cho sinh viên.


Tiến sỹ Bùi Thị Xuân Mai, Trưởng khoa CTXH, Trường ĐH Lao động - Xã hội cho biết: CTXH là nghề mới cho nên nhiều trường vẫn còn thiếu đội ngũ giảng viên hướng dẫn thực hành, mạng lưới cơ sở để giới thiệu đưa sinh viên tới thực hành… Mặt khác, tại các cơ sở thực hành cũng thiếu đội ngũ kiểm huấn viên có khả năng hướng dẫn sinh viên trong thời gian thực tập. Trong gần 40 trường chỉ có Trường ĐH Mở Bán công TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Lao động - Xã hội đã thiết lập được mạng lưới cơ sở thực hành và giáo viên hướng dẫn tại cơ sở. Một số trường khác cũng đã bắt đầu tạo lập mối quan hệ và đưa sinh viên đi thực hành, tuy nhiên các trường này vẫn gặp phải nhiều khó khăn do cơ chế chính sách, chế độ cho người hướng dẫn thực hành tại cơ sở chưa được quy định rõ ràng mà hầu hết họ thực hiện với trách nhiệm giúp nhà trường, giúp sinh viên.


Sinh viên "chê"


Không chỉ thiếu giảng viên giảng dạy, ngành CTXH của các trường hiện còn phải đối mặt với thực trạng thiếu sinh viên. Kim Liên, sinh viên năm thứ nhất khoa CTXH, Trường ĐH Mở Bán công TP Hồ Chí Minh cho biết: "Em học ngành này là do không còn ngành nào để lựa chọn (điểm chuẩn của ngành này thấp hơn các ngành khác). Em theo học để chờ tới năm sau thi ngành khác, nếu vẫn học ngành này, khi ra trường công việc rất phức tạp và vất vả".


Tâm lý "sợ" tiếp xúc với những đối tượng yếu thế như người nghèo khổ, người khuyết tật, trẻ lang thang, gái mại dâm, người nhiễm HIV... khiến nhiều sinh viên không đủ can đảm theo học nghề này. Theo thạc sỹ Công Hoàng Thuận - giảng viên Trường ĐH Lao động - Xã hội (cơ sở II), trong những năm qua, số lượng sinh viên - học sinh theo học ngành CTXH tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh rất ít. Tại Trường ĐH Lao động - Xã hội, trong 10 năm đào tạo (2000- 2010) chỉ có khoảng 699 sinh viên theo học với các trình độ: Trung cấp, cao đẳng, đại học chính quy, hệ vừa học vừa làm… "Thậm chí có năm trường không mở lớp vì không có sinh viên. Nguyên nhân là ngành mới, còn khá xa lạ với xã hội và với cả chính những sinh viên đang theo học. Thậm chí, có nơi còn đánh đồng nghề CTXH với việc làm từ thiện.


Theo bà Xuân Mai, để giải quyết những khó khăn và vướng mắc trong công tác đào tạo ngành này, trước mắt phải thay đổi từ nhận thức và hiểu biết của xã hội cũng như của sinh viên. Để làm được điều đó cần tuyên truyền phổ biến sâu rộng hơn nữa về vai trò, vị trí và sự cần thiết của chuyên môn CTXH trong đảm bảo an ninh xã hội của mỗi quốc gia nói chung và của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng nói riêng. Còn theo thạc sỹ Công Hoàng Thuận - giảng viên Trường ĐH Lao động - Xã hội (cơ sở II), ngoài việc quảng bá ngành học, trong quá trình đào tạo, các nhà trường nên có nhiều hoạt động thực tế dành cho sinh viên như: Thành lập các đội sinh viên tình nguyện hoạt động CTXH để đi tới các trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em, người già, khuyết tật… để tăng cường tính chủ động sáng tạo, năng lực làm việc, tạo niềm tin và lòng yêu nghề cho sinh viên.


Mạnh Minh – Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN