Đào tạo nghề công tác xã hội tại Việt Nam

Sáng ngày 4/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo quốc tế "Công tác xã hội trong quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam", do Trường ĐH Lao động xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Tổ chức quốc tế Singapore (Singapore International Foundation- SIP) phối hợp tổ chức.

Hội thảo nhằm đánh giá lại hiệu quả của việc đào tạo công tác xã hội tại Việt Nam, những kết quả đạt được trong thời gian qua; đồng thời chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục thúc đẩy, nhằm giúp xã hội có sự nhìn nhận đúng về công tác xã hội và những người làm công tác xã hội có được vị trí xứng đáng của mình.


TS Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phát biểu tại Hội thảo.


Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, TS Doãn Mậu Diệp, công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới, với mục tiêu là thúc đẩy, phục hồi, duy trì và tăng cường chức năng của cá nhân, gia đình và cộng đồng thông qua hoạt động trợ giúp, xóa bỏ và phòng ngừa đói nghèo và các vấn đề xã hội. Đồng thời, công tác xã hội còn tham gia vào việc xây dựng, hoạch định và thực thi các chính sách xã hội, các chương trình, hệ thống dịch vụ xã hội.

Ở Việt Nam, ngành nghề công tác xã hội mới chỉ được biết tới trong hơn 10 năm nay, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 32 về "Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020". Tuy nhiên, việc đào tạo nghề công tác xã hội của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do thiếu những kinh nghiệm đào tạo. Trong bối cảnh ấy, SIPđã phối hợp với Trường ĐH Lao động xã hội triển khai dự án công tác xã hội, nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho những giảng viên của trường và những người đang làm công tác xã hội ở Việt Nam. Dự án triển khai trong 2 năm (2010-2012) đã đào tạo cho 40 giảng viên và cán bộ trong lĩnh vực công tác xã hội, giúp tăng cường kỹ năng giảng dạy, thay đổi phương pháp dạy và học trong chuyên ngành này; từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho hơn 1.000 sinh viên trong lĩnh vực này.

Sau 2 năm triển khai dự án, tới nay hệ thống giáo trình, phương pháp giảng dạy của ngành công tác xã hội đã cơ bản được hoàn thiện, theo hướng không chỉ học trên giảng đường mà thường xuyên tham gia các hoạt động thực hành, từ đó giúp sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng để hoạt động xã hội.

Trong thời gian tới, để tăng cường vai trò của ngành công tác xã hội, theo các chuyên gia, cần góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của ngành công tác xã hội và những người làm công tác xã hội, đồng thời thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong phương thức đào tạo công tác xã hội. Điều này sẽ là một quá trình lâu dài.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN