Đào tạo cán bộ, công chức cơ sở

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, những thành tựu mà nhân dân các dân tộc tại Tây Nguyên đã đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Một trong những nguyên nhân của tình hình trên là trình độ, năng lực của cán bộ cơ sở có những mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thực trạng cán bộ, công chức cơ sở

Hiện nay, tại Tây Nguyên, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trong toàn vùng là 15.558 người, trong đó 3.978 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 25,56%. Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, số cán bộ, công chức có trình độ học vấn trung học phổ thông chiếm 82%, chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên chiếm 74,5%, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 44,8%. Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, buôn làng trong toàn vùng có 63.546 người, trong đó, cấp xã 13.601 người, ở buôn làng 49.945 người, trong đó, có nhiều cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở cho vùng Tây Nguyên.

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk) được thực hành với nhiều thiết bị học tập hiện đại. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở cơ sở vùng Tây Nguyên đã được các địa phương thực hiện khá tốt, đồng bộ theo kế hoạch và gắn với quy hoạch, chú trọng giữa đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng. Các tỉnh Tây Nguyên đều có chung quan điểm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phải bao gồm cả những người hoạt động không chuyên trách ở xã và các thôn, bon, buôn, làng, coi trọng và phát huy vai trò già làng, trưởng dòng họ, chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng…

Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở vùng Tây Nguyên còn mang tính dàn trải, chưa tập trung đầu tư đúng mức cho đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước. Công tác tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số gặp một số khó khăn do trình độ học vấn (đầu vào) thấp, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tâm lý ngại đi học do không muốn xa gia đình, xa cộng đồng của nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số….

Nâng tầm cán bộ, công chức cơ sở

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ nay đến năm 2020, các tỉnh vùng Tây Nguyên tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của từng địa phương và toàn vùng Tây Nguyên, với các mục tiêu cụ thể: Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có từ 85% trở lên cán bộ chuyên trách và có từ 95% trở lên công chức cấp xã đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên. Cán bộ chuyên trách có từ 85% trở lên đạt trình độ lý luận trung cấp trở lên và công chức có từ 60% trở lên đạt trình độ lý luận từ sơ cấp trở lên. 85% cán bộ, công chức người Kinh trở lên công tác tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng được một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác để giao dịch, thực thi nhiệm vụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước hoặc kiến thức quốc phòng, an ninh, tin học văn phòng… cho từ 80% trở lên cho cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên ở cơ sở.

Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cũng thay đổi phù hợp với thực tế từng địa phương, từng vùng dân cư. Không đưa vào cấu tạo chương trình đào tạo, bồi dưỡng các môn như phân tích kinh tế vĩ mô, xác suất thống kê, ngoại ngữ… Đối với cán bộ, công chức cơ sở là người dân tộc thiểu số, trong giảng dạy ngoài việc truyền đạt cho họ hiểu, họ biết còn kết hợp với việc tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ này được “thấy tận mắt, sờ tận tay” những kinh nghiệm trong quản lý, cách làm ăn đạt hiệu quả, xây dựng buôn làng có nếp sống văn hóa sạch, đẹp nhằm tạo cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số một niềm tin vào cái mới, cái tiến bộ, làm thay đổi dần những tư duy lạc hậu. Các nội dung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tập trung đi sâu vào kiến thức và kỹ năng thực hiện một nhiệm vụ chuyên môn đang hoặc sẽ đảm nhiệm là chính, tùy thuộc vào nội dung đào tạo, có thể rút ngắn thời gian của khóa học theo từng mùa vụ…

Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nội dung giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, công chức cơ sở vùng Tây Nguyên cần đi sâu hơn nữa giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, về độc lập tự chủ, tự cường. Tập trung bồi dưỡng những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, đối với sự phát triển của vùng Tây Nguyên nhằm góp phần tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát triển bền vững…q
Quang Huy
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN