Có những phạm nhân trước đây chưa từng một lần trong đời viết thư tay, có những người viết còn chưa sạch chính tả,... nhưng những dòng cảm xúc vui buồn đan xen, chứa đựng nhiều niềm tin, hy vọng về những bước tiếp theo của cuộc đời.
"Mới đó thôi, những ngày đầu ngập ngừng vào trại và giờ đây chuẩn bị rời xa nơi này. Một nhà thơ đã viết: Chẳng ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể quyết định được tương lai. Vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi phạm nhân hãy cố gắng, tích cực thay đổi bản thân để có tương lai tươi sáng hơn". Đây là những dòng chia sẻ của phạm nhân Nguyễn Duy Trịnh trước khi được đặc xá và rời Trại giam Kim Sơn (Bình Định). Phạm nhân trẻ này sinh năm 1994, vì tụ tập đánh nhau, gây thương tích đã bị Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn tuyên phạt 3 năm 3 tháng tù giam và sau đó đi thụ án ở Trại giam Kim Sơn.
Hồi tưởng lại, Nguyễn Duy Trịnh cho biết, những ngày đầu nhập trại, được Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ phổ biến pháp luật, nội quy, quy định của cơ sở giam giữ, được dạy nghề; được cấp phát quần áo, vật dụng cần thiết trong sinh hoạt... Từ bài học cuộc đời dẫn đến phải bước vào vòng lao lý, phạm nhân trẻ này nhận ra: "để sớm trở về với gia đình và xã hội, cần phải cố gắng và cố gắng mỗi ngày để thay đổi bản thân". Nhờ nỗ lực, tích cực trong lao động, cải tạo, Nguyễn Duy Trịnh được giảm án và sau đó được đặc xá ra tù trong dịp Quốc khánh này.
Cũng kể lại những ngày đầu vào trại, phạm nhân trẻ Trần Văn Tuyến (sinh năm 2002, ở xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ, là người phạm tội dưới 18 tuổi, khi bị bắt đã rất run và lo sợ. Tuyến vốn con nhà nghèo, không chịu học hành mà theo đám bạn xấu chơi bời. Năm 2019, Tuyến 17 tuổi đã cùng nhóm bạn rủ nhau đi cướp giật dây chuyền của các cháu học sinh tiểu học. Dù số tiền không lớn nhưng với hành vi cướp giật tài sản, Tuyến và đồng bọn phải trả giá, trong đó, Tuyến bị tuyên mức án 1 năm 8 tháng tù giam. Khi đi trả án tại Trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc), tưởng chừng đó sẽ là một cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng cậu đã rất bất ngờ.
“Các bác, các cô chú đã động viên, tạo điều kiện cho cháu rất nhiều trong quá trình cải tạo. Ở đây, cháu còn được học về nội quy, các chế độ của phạm nhân, hay được giải đáp thắc mắc của bản thân trong quá trình cải tạo. Vì thế, cháu luôn cố gắng sửa chữa lỗi lầm mà mình đã gây ra, mong muốn sớm trở về với gia đình, làm lại cuộc đời" - phạm nhân trẻ này chia sẻ.
Khi biết mình nằm trong diện đủ điều kiện đề nghị đặc xá năm 2021, Tuyến cho biết rất xúc động và vui mừng khi Đảng, Nhà nước có những chính sách khoan hồng cho những người lầm lỡ như mình. "Nếu được về nhà, cháu sẽ xin đi học bổ túc cho hết lớp 9 rồi học nghề, sau đó tìm việc gì phù hợp để giúp gia đình. Giờ cháu mới biết rằng, cho dù làm bốc vác, dù là thợ xây kiếm tiền khó khăn nhưng đó là những đồng tiền trong sạch, những đồng tiền đó mới quý. Cháu sẽ không bao giờ lang thang, chơi bời, làm khổ bố mẹ nữa” - Tuyến cho biết.
Chuẩn bị bài phát biểu đặc biệt nhất trong cuộc đời
Những ngày trước khi được đặc xá, phạm nhân Đinh Phú Hải không chỉ hồ hởi chuẩn bị để trở về với gia đình và xã hội, mà anh còn háo hức chuẩn bị bài phát biểu có lẽ là đặc biệt nhất trong cuộc đời mình.
“Trong không khí phấn khởi, trang nghiêm của Lễ công bố Quyết định Đặc xá của Chủ tịch nước đối với phạm nhân Trại giam Xuân Lộc, tôi tên Đinh Phú Hải, sinh năm 1997, tội danh "Cố ý gây thương tích"; án phạt: 4 năm 6 tháng, thay mặt cho các phạm nhân Trại giam Xuân Lộc được hưởng đặc xá, xin phát biểu cảm tưởng…” - đây là những câu mở đầu trong bài phát biểu mà phạm nhân Đinh Phú Hải tranh thủ nhiều đêm để viết, nhờ cán bộ sửa rồi tập luyện, đọc đi đọc lại đến mức các phạm nhân cùng phòng cũng thuộc. Bài phát biểu này sẽ được Hải đọc trong Lễ công bố đặc xá của Trại giam Xuân Lộc.
Có tên trong danh sách đề nghị đặc xá lần này, Hải rất vui. Chính vì vậy, mặc dù ít học, không đứng trước đám đông để phát biểu bao giờ nhưng được các cán bộ trại động viên, Hải vẫn tự viết ra một bài phát biểu để “nếu bị gọi lên sẽ đỡ run”. Hải vốn là người ít giao tiếp xã hội, khi bị bắt vào trại lại càng ít tiếp xúc hơn. Thế nhưng, được các cán bộ động viên, tin tưởng nên Hải đã cải tạo tiến bộ. Hải cho biết, nhớ lại những ngày đầu tiên mới từ trại tạm giam đến chấp hành án tại Trại giam Xuân Lộc đã tạo cho anh ra một cảm giác, một niềm tin vững chắc để học tập, rèn luyện, cải tạo tiến bộ để sửa chữa sai phạm đã gây ra.
"Ấn tượng trước mắt tôi là một môi trường trong lành rất nhiều cây xanh và bóng mát. Bên cạnh đó những ngày đầu bỡ ngỡ tôi đã được cán bộ tận tình dạy bảo về cách ứng xử, giao tiếp; pháp luật; nội quy, quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân; quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; giá trị của lao động đối với đời sống của con người… đặc biệt là chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội… Đó là hành trang ban đầu để bản thân tôi luôn nỗ lực phấn đấu cải tạo tiến bộ”, Hải cho biết.
Do cải tạo tiến bộ nên năm 2020, Hải là một trong 60 phạm nhân được Ban Giám thị lựa chọn cho học lớp nghề hàn và điện do Trường Dạy nghề số 8 trực tiếp giảng dạy. Biết đây là cơ hội để học nghề, sau này ra trại có thể kiếm được tiền chân chính nên Hải rất chịu khó học và tốt nghiệp loại giỏi. Anh cho biết, sau khi được đặc xá, sẽ mở tiệm làm cửa sắt, phát huy nghề học được trong trại để kiếm sống.
Những kỷ niệm đặc biệt cùng các quản giáo
Cũng trong những dòng viết chia sẻ cảm tưởng, nhiều phạm nhân được đặc xá gửi gắm lòng cảm kích đến những cán bộ quản giáo đã gắn bó trong những tháng ngày lao lý. Trong đó, nhiều câu chuyện rất đặc biệt, như cán bộ trại giam cho vay tiền để bồi thường thiệt hại mà không dám nhận của nữ phạm nhân Trần Huỳnh Kim Cẩm (sinh năm 1981 ở Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định).
Cẩm sau khi ra tốt nghiệp đại học về làm thủ quỹ tại UBND xã Nhơn Phúc. Nhưng vì những việc làm thiếu suy nghĩ, Cẩm làm thâm thụt quỹ, phải trả giá bằng bản án 15 năm tù về tội tham ô tài sản.
Theo lời nữ phạm nhân này, trong quá trình cải tạo, mỗi lần có dịp gặp gỡ người thân, Cẩm lại động viên gia đình thu xếp để khắc phục cho xong số tiền phải bồi thường là 200 triệu đồng. Gia đình quá khó khăn nên còn thiếu 10 triệu đồng nữa không thể xoay sở được.
"Tới gần ngày xét giảm mốc đầu tiên của tôi, cán bộ Nguyễn Thanh Phúc đã gặp tôi và nói: “Sao chị không nói tôi sẽ cho mượn tiền đóng cho xong để được xem xét giảm án chứ. Nếu xếp loại cải tạo tốt sẽ được sẽ được giảm thêm 1 tháng nữa đó”. Thực sự tôi không dám mượn nhưng khi nghe cán bộ nói vậy tôi rất vui và ấn tượng mãi đến giờ và về sau. Tôi cảm nhận được sự tin tưởng và gần gũi của cán bộ đối với phạm nhân như tôi. Qua đây, lần nữa tôi xin được cảm ơn cán bộ Nguyễn Thanh Phúc” - phạm nhân Cẩm viết.
Do cải tạo tốt và khắc phục xong số tiền phải bồi thường nên trong quãng thời gian 7 năm 8 tháng chấp hành án, nữ phạm nhân này đã 3 lần được xét giảm án tổng cộng 30 tháng tù giam. Dịp đặc xá năm nay, Cẩm đủ điều kiện để có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá.
Đặng Xuân Vương cũng là một phạm nhân trẻ tuổi khác được đặc xá lần này. Vương sinh năm 2000, nhưng năm 2018 – khi chưa tròn 18 tuổi, Vương đã phạm tội. Vốn không chịu học hành, rèn luyện, Vương theo bạn bè đua đòi, chơi bời rồi tham gia các nhóm đòi nợ, gây thương tích. Do có mâu thuẫn với một nhóm khác, ngày 27/2/2018, Vương cùng với một số đối tượng chế tạo bom xăng rồi mang theo kiếm tự tạo đánh nhau, gây thương tích. Vương bị kết án 4 năm tù giam.
“Lúc ở nhà, cháu mải chơi đua đòi, không biết suy nghĩ, cũng không biết làm việc gì. Ở Trại giam Kim Sơn, cháu được các cán bộ giảng giải, dạy dỗ, đặc biệt, cán bộ Trần Châu đã tận tình chỉ bảo, khuyên nhủ, giúp đỡ nên cháu đã hiểu thế nào là làm người có ích, thế nào là tình người, là tình yêu thương gia đình, cha mẹ. Cháu cũng được học cách trồng cây, cấy lúa, nuôi lợn, nuôi gà. Đây là những việc mà những bạn gia đình làm nông như cháu đều biết làm từ bé, nhưng cháu chỉ mải đua đòi nên không chịu làm. Giờ cháu mới hiểu, có lao động mới hiểu giá trị của cuộc sống” - phạm nhân trẻ này cho biết.
Trong trại, Vương nhận ra lỗi lầm, còn tự giác viết thư xin lỗi gia đình nạn nhân, nhờ bố mẹ bồi thường thiệt hại, giúp đỡ gia đình nạn nhân. Nhờ đó, kết quả cải tạo của Vương luôn đạt loại khá và có tên trong danh sách đặc xá đợt này. Vương chia sẻ: “Cháu vui lắm, lần này về cháu không bao giờ theo chúng bạn hư nữa. Sẽ giúp đỡ bố mẹ, không để bố mẹ buồn, lo nữa”.
3035 phạm nhân được khoan hồng
Nhân dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 3035 phạm nhân. Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vừa nghiêm minh trong xét xử người phạm tội, đồng thời khoan hồng, nhân đạo đối với những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng hướng thiện, rèn luyện tiến bộ để trở lại làm người có ích cho xã hội.
Năm nay, công tác đặc xá diễn ra trong một bối cảnh rất đặc biệt, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao, sự nhập cuộc và triển khai đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành chức năng theo đúng tiến độ và quy định đề ra; có những ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân đạo thiết thực. Lần đặc xá này còn có nhiều điểm mới so với mọi năm. Đây không chỉ là đợt đặc xá đầu tiên theo Luật Đặc xá năm 2018, mà còn là đợt đặc xá đầu tiên sau thành công rất tốt đẹp của nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Công tác đặc xá năm nay cũng được tiến hành trong hoàn cảnh đặc thù giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương; gây nhiều khó khăn trong việc thẩm tra, xác minh hồ sơ ở địa bàn, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành các bước thủ tục tại cơ sở giam giữ, cũng như đòi hỏi phải tính toán rất kỹ phương án triển khai cho người được đặc xá và địa phương nơi tiếp nhận để đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên công tác đặc xá đã được triển khai khẩn trương, bài bản, khoa học, đúng tiến độ đề ra theo kế hoạch, không để xảy ra lây lan dịch bệnh, thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.
Với Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, hàng nghìn người được hưởng chính sách khoan hồng, sớm trở về nhà đoàn tụ với gia đình, sẵn sàng cho cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời. Những người từng một thời lầm đường, lạc lối đã phải trả giá cho những hành động vi phạm pháp luật, bị hạn chế một số quyền công dân theo quy định, tuy nhiên vẫn được trao cho một cơ hội để sửa sai, để lại được tận hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đó với tư cách của một công dân. Đây là dấu ấn nhân văn lớn nhất của chủ trương đặc xá, phản ánh rõ nhất ưu tiên đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.