Đà Nẵng hướng đến thương hiệu “Thành phố môi trường”

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã phát huy nội lực và huy động ngoại lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo dựng các nền tảng cơ bản để hướng tầm nhìn xa hơn, rộng hơn về phía tương lai trong sự phát triển và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, từ năm 2010, Đà Nẵng đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ để phát triển thành phố theo hướng hiện đại hóa. Và "Thành phố môi trường" là một thương hiệu đã được Đảng bộ, nhân dân thành phố Đà Nẵng lựa chọn và quyết tâm phấn đấu đạt được vào năm 2020. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước ta xây dựng “Thành phố môi trường”.

Đà Nẵng xác định, trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2020, thành phố sẽ đặt tiêu chí bảo vệ môi trường lên ngang bằng với tiêu chí phát triển kinh tế, xã hội, nhằm tạo sự cân bằng bền vững trong quá trình phát triển của thành phố từ nay về sau. Chính thành phố môi trường sẽ tạo điều kiện tốt cho sự phát triển du lịch và dịch vụ, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển bền vững mà Việt Nam đã chọn.

Một góc thành phố Đà Nẵng.


Theo Quỹ Tài nguyên Facillity - Văn phòng đặt tại Philíppin - Thành phố môi trường là "thành phố có thể sinh sống" với mục tiêu trở thành nơi tốt hơn để sống đối với người dân và du khách.

Đà Nẵng sẽ trở thành "Thành phố môi trường" khi đáp ứng đầy đủ 23 tiêu chí trên các lĩnh vực: Kinh tế- xã hội; môi trường không khí; môi trường nước; quản lý chất thải rắn; cây xanh. Đến nay, Đà Nẵng đã đề ra các giải pháp để thực hiện các mục tiêu cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2007- 2015, thành phố tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách hiện nay để đạt các chỉ tiêu: Nước thải của tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất được xử lý trước khi xả ra môi trường; 50% lượng nước thải sinh hoạt của tất cả các quận nội thành được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn; kiểm soát được các nguồn phát sinh chất thải nguy hại và thực hiện xử lý hợp vệ sinh; 90% dân số nội thành và 70% dân số các xã ngoại ô được sử dụng nước sạch; kiểm soát ô nhiễm không khí; quy hoạch và phát triển diện tích không gian xanh đô thị; bảo tồn đa dạng sinh học rừng của thành phố. Giai đoạn 2016 - 2020, Đà Nẵng sẽ hoàn thiện các mục tiêu ở giai đoạn 2007- 2015, đảm bảo đạt được tất cả các chỉ tiêu thành phố môi trường. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án xây dựng "Đà Nẵng - Thành phố môi trường" khoảng 3.563 tỷ đồng.

Theo Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Thế Ngọc, việc Đà Nẵng xây dựng đề án "Đà Nẵng - Thành phố môi trường" là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời tạo dựng một hình ảnh tươi đẹp không chỉ riêng cho thành phố Đà Nẵng mà còn cho cả khu vực miền Trung và Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, vì là địa phương đi tiên phong nên Đà Nẵng cần tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin và học tập kinh nghiệm của bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần sớm thống nhất và ban hành bộ tiêu chí cụ thể về thành phố môi trường, phù hợp với yêu cầu của quốc tế làm cơ sở đánh giá hiệu quả của đề án. Đà Nẵng cũng cần thiết lập được các nhóm chỉ tiêu về đánh giá môi trường trong các quy hoạch phát triển; chú trọng tới quy hoạch phát triển cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng phát triển du lịch, các ngành công nghệ cao, sản xuất sạch, nông nghiệp sinh thái...

Thứ trưởng cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của thành phố Đà Nẵng nhằm biến ý tưởng tốt đẹp này sớm trở thành hiện thực đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, ngang tầm với các đô thị trong khu vực và trên thế giới.

Đà Nẵng củng cố môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi

Ngày 9/6, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Đà Nẵng năm 2011".
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần trong kết quả xếp hạng PCI của thành phố Đà Nẵng trong 6 năm (2005-2010), qua phân tích, đánh giá của các đại biểu tham dự hội thảo, UBND thành phố xác định để Đà Nẵng là địa phương có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi được đánh giá cao trong cả nước, chính quyền thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ hành chính công của chính quyền các cấp; tích cực thực hiện Đề án 30 nhằm xây dựng ngày càng tốt hơn nền hành chính công theo hướng phục vụ; thực hiện tốt cơ chế "một cửa liên thông" trên tất cả các lĩnh vực... Năm 2010 là năm thứ ba liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI. Đà Nẵng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong việc tạo lập được môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp.


Văn Sơn


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN