Đã bắt bệnh vi phạm bản quyền tác giả?

Đã có đầy đủ hành lang pháp lý cùng với chế tài, xử phạt, nhưng vi phạm bản quyền tác giả ở nước ta vẫn bị xem là vấn nạn. Đây là vấn đề được các chuyên gia quốc tế và Việt Nam lại một lần nữa lên tiếng báo động tại hội thảo về quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ) mới đây.

Vẫn sử dụng “chùa”

Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả tác phẩm văn học (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với nạn vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Theo thống kê mới đây, vi phạm trong lĩnh vực nghe nhìn băng đĩa tới 95%, ngôn ngữ bị vi phạm dưới hình thức sao chép tới 90%. Có hai vấn đề khiến nạn sao chép lậu trở nên nghiêm trọng và đe dọa hệ thống QTG ngành xuất bản hiện nay, đó là do các tiến bộ của các phương tiện lưu ghi và thiết bị sao chép các tác phẩm, khiến những kẻ sao chép lậu có thể dễ dàng sản xuất các phiên bản bất hợp pháp từ tác phẩm gốc mà không phải trả chi phí nào cho việc sáng tạo ban đầu.


Các tác giả chỉ nhận một số tiền nhuận bút ít ỏi ở lần xuất bản đầu. Các bản sao chép lậu bán với giá thấp, lợi thuận thu lại lớn, làm thiệt hại tới quyền lợi của các chủ thể QTG. Cũng theo bà Luyến, nếu chúng ta không thực thi quyền tác giả một cách chặt chẽ, nạn vi phạm bản quyền sẽ “hủy diệt” nền xuất bản của ta.

Việc sử dụng “chùa” các tác phẩm văn hóa đã trở thành thói quen nguy hiểm. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho rằng, có ba nguyên nhân dẫn tới vấn nạn vi phạm bản quyền của Việt Nam, đó là sự thiếu nhận thức của xã hội, các văn bản dưới luật, các quy định hành chính nhằm thực thi luật pháp chưa sâu sát, chưa hỗ trợ mạnh mẽ cho luật pháp, cũng như sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, tính pha tạp của các kiến thức chuyên sâu, và cả kinh phí hoạt động của các trung tâm bảo vệ bản quyền còn hạn hẹp, nhân lực thiếu.

Đoàn thanh tra đang thống kê sách có dấu hiệu vi phạm bản quyền tại Nhà sách Quỳnh Mai (474 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM). Ảnh: Phương Vy - TTXVN


Chế tài xử phạt chưa phát huy tác dụng?

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, hệ thống luật pháp của Việt Nam về quyền tác giả và quyền liên quan đã tương đối đầy đủ, tương thích với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, tính hiệu lực của những văn bản pháp lý này chưa cao khi tình trạng vi phạm bản quyền tác giả vẫn đang diễn ra nghiêm trọng. Một thực tế nữa là, nhiều trung tâm bản quyền tác giả đã tỏ ra mệt mỏi, thậm chí là chán nản vì xử lý được nơi này thì nơi kia lại vi phạm. Trông thấy vi phạm nhưng để áp dụng các chế tài xử phạt thì lại chưa được hiệu quả. Đây là khúc mắc lớn nhất của các trung tâm bản quyền trên mọi lĩnh vực khi họ yêu cầu các chế tài xử phạt việc vi phạm bản quyền và đòi bản quyền tác giả.

Mặc dù số lượng tác giả, nhạc sĩ và các tổ chức trong nước ký hợp đồng ủy thác để trao cho Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc ngày càng đông, số tiền thu lại được cho các tác giả, nhạc sĩ mỗi năm tới hàng chục tỷ đồng nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc trung tâm vẫn không giấu nổi sự lo lắng vì chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước với trung tâm, khi thực hiện các chương trình tổ chức biểu diễn âm nhạc dẫn tới việc thu tiền của trung tâm gặp nhiều khó khăn.

Hiện đã có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền tác giả. Tại Điều 20, Nghị định 47/2009/NĐ-CP của Chính phủ có quy định phạt tiền tới 250 triệu đồng đối với hành vi phân phối dưới hình thức bán tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả. Tại Điều 23 của Nghị định này cũng quy định có thể phạt tiền tới 500 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả. Điều 170a Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định tội sao chép tác phẩm, phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, tùy mức độ vi phạm, có thể bị phạt tù đến 3 năm.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Hoan, Cục phó Cục Bản quyền tác giả: “Hệ thống pháp luật về quyền tác giả đã đồng bộ, tương thích với pháp luật quốc tế là các chế tài đủ mạnh từ cả biện pháp dân sự, hành chính và hình sự để đối phó với các hành vi vi phạm QTG. Nhưng nhìn vào thực tế, công tác quản lý chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả và chưa thực hiện nghiêm chế tài xử phạt (cả phạt hành chính và truy tố trách nhiệm hình sự). Vì vậy mà việc chống vi phạm bản quyền tác giả còn chưa được như mong muốn”.

Để đấu tranh với vấn nạn xâm phạm bản quyền tác giả nếu chỉ đơn phương để cho các trung tâm bản quyền và hội nghề nghiệp, chủ sở hữu tác phẩm thực hiện thì khó mà đạt hiệu quả. Cần có sự phối hợp giữa các tổ chức quản lý tập thể QTG, QLQ tăng cường chống sao chép lậu, áp dụng chế tài xử phạt khi có hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức và ý thức của các đối tượng về QTG, QLQ mới mong việc thực thi bản quyền tác giả ở nước ta đi vào nề nếp và dẹp yên được vấn nạn nhức nhối này.

Thạch Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN