Cứu sống người đàn ông ăn lá ngón

Ngày 8/4, Đồn Biên phòng Tri Lễ (Bộ đội Biên Phòng Nghệ An) thông tin, quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ phối hợp với Trạm Y tế xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) kịp thời cứu sống một trường hợp ăn lá ngón tự tử.  

Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 7/4, anh Và Ca D (sinh năm 1992, thường trú tại bản Chà Lưn, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An) do mẫu thuẫn trong gia đình nên đã ăn lá ngón tự tử. Khi phát hiện, người nhà đã nhanh chóng đưa đưa nạn nhân đến Trạm Y tế xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) để cấp cứu.

Tại đây, Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức, quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ (Bộ đội biên phòng Nghệ An) tăng cường cho Trạm Y tế xã Tri Lễ đã kịp thời cấp cứu giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch. Sau đó, anh D tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Trạm Y tế xã Tri Lễ. Được biết, anh Và Ca D là nạn nhân thứ 28 bị ngộ độc lá ngón được Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức trực tiếp cứu sống.

Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức chia sẻ, việc cứu sống nạn nhân ngộ độc lá ngón tùy thuộc vào chất độc đã ngấm sâu vào cơ thể hay chưa. Do đó, người dân cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời. Trường hợp ngộ độc quá nặng phải đặt sonde dạ dày, dùng 3 - 5 lít nước hỗn hợp để rửa sạch, kết hợp truyền dịch, dùng thuốc kháng histamin, trợ tim...

Cây lá ngón (ngón vàng, cây rút ruột, đoạn trường thảo...) mọc nhiều ở các vùng miền núi phía Bắc, là dây leo, thân và cành không có lông. Lá có hình thuôn dài, mọc đối xứng, nhẵn bóng, đầu nhọn, dài từ 7 đến hơn 10 cm và rộng từ 2,5 đến hơn 5 cm. Hoa hình loa kèn, có 5 cánh, màu vàng rực.

Lá ngón được xếp vào danh sách 4 loại cây cực độc, đe dọa đến tính mạng con người, có chứa chất kịch độc là hoạt chất alkaloid. Theo y học, chỉ một lượng nhỏ alkaloid cũng có thể gây tử vong đối với người nếu không được cấp cứu, chữa trị kịp thời. Độc tố trong lá ngón ngấm rất nhanh chỉ mất 5 - 30 phút qua đường tiêu hóa.

Thời gian gây tử vong cho người của độc lá ngón trong vòng từ 1 - 7 giờ. Người bị ngộ độc lá ngón thường có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn; sau đó dẫn đến mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn, có xu hướng dần ngừng hô hấp.

Tại Nghệ An, nhiều năm qua, chính quyền địa phương các địa bàn miền núi, đoàn thể, lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền đến người dân làng, bản, trường học về tác hại của lá ngón. Các bên liên quan thực hiện phát quang, phá nhổ lá ngón; khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng loại lá này và thận trọng để không nhầm lẫn với những loại lá khác nhằm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Hải An (TTXVN)
Hai chị em ở Phú Thọ ăn nhầm lá ngón đã được điều trị, xuất viện an toàn
Hai chị em ở Phú Thọ ăn nhầm lá ngón đã được điều trị, xuất viện an toàn

Sáng 4/4, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, hai chị em ăn nhầm lá ngón sau bữa trưa ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa được Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh) cấp cứu thành công sau 1 tuần điều trị tích cực. Đến chiều 3/4, hai em này đã được xuất viện với sức khỏe bình thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN