Cựu chiến binh 'xứ dừa' đồng lòng, tương trợ phát triển kinh tế

Trong chiến đấu, những người chiến sỹ năm xưa sát cánh cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ để bảo vệ Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Hội viên doanh nhân cựu chiến binh tham quan mô hình phát triển kinh tế do cựu chiến binh làm chủ. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Ngày nay, trong thời bình, những người cựu chiến binh ấy lại đồng lòng, chung sức tương trợ lẫn nhau trên mặt trận kinh tế, cùng xây dựng, phát triển quê hương Đồng khởi Bến Tre ngày càng giàu đẹp.

"Cà phê người lính"

Vào ngày thứ Bảy hàng tuần, những người cựu chiến binh - doanh nhân lại hẹn nhau uống cà phê trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm mở rộng thị trường để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cựu chiến binh Trần Bá Sanh (xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre) chia sẻ, Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh thành lập tháng 8/2022, với mong muốn đây sẽ là nới giao lưu, gặp gỡ thường xuyên của các thành viên. Là Phó Chủ tịch Hội, ông Trần Bá Sanh luôn dành một khu vực riêng trong Khu du lịch Lan Vương do ông làm chủ (ở xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre) làm điểm hẹn cho các hội viên với tên gọi "Cà phê người lính".

Điểm hẹn "Cà phê người lính" đã giúp các cựu chiến binh ngày càng gắn bó, là nơi các hội viên tập trung giao lưu, trưng bày, quảng bá sản phẩm tới du khách. Tại điểm hẹn này, ông Sanh cho in "Sơ đồ hoạt động làm kinh tế của Hội Doanh nhân tỉnh Bến Tre", đánh dấu những địa điểm thành viên nòng cốt trong Hội để mọi người dễ nhận biết. Các thành viên khi uống cà phê thường nói vui: "Trong chiến trường có bản đồ tác chiến, thì trong thời bình có bản đồ hoạt động làm kinh tế, làm cho hội viên như sống lại những ngày tháng hào hùng, nhưng nay là mặt trận làm kinh tế".

Cựu chiến binh Trần Bá Sanh tâm sự, trong thời chiến, đồng chí, đồng đội luôn gắn bó với nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Trong thời bình, sự đoàn kết, gắn bó càng thắt chặt hơn khi các cựu chiến binh cùng nhau phát triển trên mặt trận kinh tế.

Cựu chiến binh Phạm Văn Nhựt (xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm) cho hay, ông đã mạnh dạn thành lập cơ sở sản xuất, đầu tư quy trình khép kín sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bán trực tiếp gạo ra thị trường với hai sản phẩm chính là gạo tím, nếp cẩm. Những ngày đầu khi đưa sản phẩm ra thị trường, ông gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thông qua gặp gỡ tại câu lạc bộ cựu chiến binh làm kinh tế, ông đã được ông Trần Bá Sanh tạo điều kiện đưa sản phẩm vào khu du lịch để quảng bá, tiêu thụ, mở gian hàng trưng bày sản phẩm miễn phí. Giờ đây, sản phẩm gạo tím, nếp cẩm, rượu nếp cẩm thương hiệu "Gạo Ba Nhựt" được thị trường biết đến nhiều hơn.

Khu du lịch Lan Vương đã ký kết trực tiếp với ông Nhựt về việc phục vụ sản phẩm gạo cho khách du lịch. Đây cũng là thương hiệu gạo duy nhất do cựu chiến binh làm chủ tại Bến Tre. Cựu chiến binh Phạm Văn Nhựt chia sẻ, thông qua những buổi "Cà phê người lính", ông đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ đồng chí, đồng đội trong Hội Doanh nhân cựu chiến binh. Bên cạnh đó, sản phẩm của ông cũng được giới thiệu ra thị trường nhờ thành viên trong Hội giới thiệu. Giờ đây, "Gạo Ba Nhựt" đã có mặt trên các sàn giao dịch điện tử và đạt chứng chỉ OCOP 3 sao của địa phương.

Anh Châu Quang Trường, chủ cơ sở sản xuất bánh, kẹo tại thành phố Bến Tre chia sẻ, tuy không phải là cựu chiến binh nhưng anh cũng tham gia cùng các chú sinh hoạt mỗi tuần. Qua đó, anh học tập được ý chí chiến đấu của người lính cụ Hồ, luôn vượt qua khó khăn, thử thách để đạt kết quả cao. Từ ý kiến đóng góp của các chú cựu chiến binh trong Hội Doanh nhân, anh đã phát triển thêm nhiều sản phẩm đưa ra thị trường.

Xung kích phát triển kinh tế, xây dựng quê hương

Sau khi từ chiến trường Campuchia trở về quê hương, cựu chiến binh Lương Văn Tăng (xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm) trải qua nhiều vất vả trong cuộc sống, thay đổi nhiều ngành nghề nhưng thu nhập vẫn không cao. Từ năm 2000, nhận thấy gáo dừa (phụ phẩm từ trái dừa) có rất nhiều ở địa phương, ông Tăng mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh than từ gáo dừa. Đến nay, Công ty của ông đi vào hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 100 công nhân tại địa phương.

Chú thích ảnh
Các cựu chiến binh trao đổi địa điểm hoạt động trên sơ đồ hoạt động cựu chiến binh làm kinh tế. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Hiện ông Lương Văn Tăng là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu chiến binh, cựu quân nhân làm kinh tế huyện Giồng Trôm, cũng là thành viên Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bến Tre. Ông chia sẻ, kề vai sát cánh cùng đồng đội cũ, hỗ trợ anh em vươn lên trong cuộc sống, đóng góp xây dựng, phát triển quê hương là nhiệm vụ của người lính cụ Hồ. Ông đã cùng Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên, đóng góp kinh phí xây dựng giao thông nông thôn, xây nhà tình nghĩa, trao quà cho học sinh nghèo… Năm 2022, Câu lạc bộ đã tài trợ hơn 800 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện, xã hội huyện Giồng Trôm. Bản thân ông Tăng đã đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa ấp, đường giao thông trên địa bàn xã Lương Phú.

Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bến Tre Phù Tường Nguyên Dũng cho hay, sau gần 1 năm thành lập, đến nay Hội có 110 hội viên. Với mục tiêu giúp nhau làm kinh tế và duy trì việc gặp gỡ hàng tuần "Cà phê người lính", Hội đã giúp hội viên có những chiến lược, kế hoạch cụ thể để lan tỏa thương hiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh. Thời gian tới, Hội sẽ tiến hành xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm của cựu chiến binh trong tỉnh đến các tỉnh, thành phố khác.

Thiếu tướng Lê Công Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết, Hội Doanh nhân cựu chiến binh Bến Tre hình thành, đi vào hoạt động đã mang lại nhiều lợi ích cho hội viên, nhất là trong hoạt động phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương. Hội đã tạo điều kiện cho hội viên gắn bó, cùng phát triển vươn lên; tiếp tục phát huy truyền thống, bản chất bộ đội cụ Hồ trong điều kiện mới. Đây chính là những tấm gương vượt khó để cựu chiến binh các địa phương noi theo.

Theo ông Lê Công Trường, các mô hình làm kinh tế hiệu quả sẽ được nhân rộng đến các cấp Hội; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn vốn từ các doanh nhân cựu chiến binh, giúp hội viên vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 138 hội viên cựu chiến binh thuộc hộ nghèo; 332 hội viên thuộc hộ cận nghèo; 146/157 xã, phường, thị trấn và 8/9 huyện cơ bản không còn hội viên nghèo. Ngoài ra, các câu lạc bộ cựu chiến binh, cựu quân nhân làm kinh tế tại các huyện, thành phố, Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động từ thiện, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới tại địa bàn.

Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Chiến tranh đã lùi xa, những cựu chiến binh mang theo vết thương lại lên đường đi tìm vùng đất mới lập nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN