Tại Hà Tĩnh, đường Trường Sơn được bắt đầu từ Ngã ba Lạc Thiện (thuộc huyện Đức Thọ) đi qua Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, bến phà Địa Lợi men theo dòng sông Ngàn Sâu hiền hòa, ngược La Khê (xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) rồi nối tuyến sang địa phận tỉnh Quảng Bình. Trên cung đường ấy, mỗi tấc đất, mét đường, cây cỏ đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ, bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và người dân địa phương.
60 năm đã trôi qua, con đường Trường Sơn huyền thoại “bom cày đạn xới” năm xưa nay đã được khoác lên mình một màu xanh mới, đó là màu xanh của ấm no, của sự sống. Từ Đồng Lộc đến Khe Giao, qua Vũ Quang lên Hương Đô, Hương Trạch là đường 15 được trải nhựa rộng thênh thang, đẹp mắt vừa được tu sửa theo nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.
Từ Ngã ba Đồng Lộc - cửa ngõ của đường Trường Sơn năm xưa, ven theo Quốc lộ 15A là những đồi cây trái đẹp ngỡ ngàng, những ngôi nhà cao tầng, minh chứng cho sức sống bất diệt của đất và người nơi đây. Được sự quan tâm của chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân, Đồng Lộc giờ đây khang trang diện mạo mới, trở thành đô thị loại V của tỉnh Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc ác liệt năm xưa nay là quần thể Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau, về một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Rời Đồng Lộc, dọc theo Quốc lộ 15A, qua những Khe Giao, Hương Thủy, chúng tôi ngược lên xã Hương Đô (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) - nơi có quần thể Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Khu di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500.
Trong kháng chiến, người dân Hương Đô đã không tiếc máu xương, che chở cho bộ đội, dân công, sẵn sàng hiến từng tấc đất, dỡ từng mái nhà để phục vụ chiến đấu. Trong thời kỳ đổi mới, Hương Đô là điểm sáng về phát triển kinh tế trang trại với thương hiệu cam Khe Mây nức tiếng gần xa. Phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước, Đảng bộ và nhân dân Hương Đô đang nỗ lực xây dựng quê hương phát triển vững mạnh, đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019. Trải dài hai bên Quốc lộ 15A tại xã Hương Đô là những đồi cam ngút ngàn, trĩu quả. Với lợi thế của khí hậu, chất đất và bằng sự cần cù, chịu khó của người dân nơi đây, thương hiệu cam Khe Mây đã nổi tiếng khắp cả nước, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Là một trong những hộ có vựa cam ngon nhất xã, anh Đinh Văn Nhâm (thôn 1, xã Hương Đô, huyện Hương Khê) vui mừng cho biết: “Gia đình tôi trồng 4 ha với 4.000 gốc cam, năm nay dự kiến cho thu hoạch 3ha với doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng. Cam được trồng theo theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGap”.
Anh Nhâm đồng thời cũng là chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm, với 29 hộ thành viên cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế vườn hộ. Mỗi thành viên tham gia hợp tác xã đều được hỗ trợ vốn, kỹ thuật và liên kết bao tiêu sản phẩm. Đến nay, tổng diện tích trồng cam của Hợp tác xã nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm là 68 ha, dự kiến cho thu nhập năm 2019 là 9 tỷ đồng.
Rời Hương Đô, ngược theo cung đường huyền thoại, đi giữa những đồi chè xanh mướt, những vườn bưởi trĩu quả, chúng tôi đến điểm cuối của đường Trường Sơn đoạn qua Hà Tĩnh, đó là xã Hương Trạch. Là địa phương tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình, Hương Trạch có hơn 12 km đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh đi qua. Mảnh đất này trong kháng chiến chống Mỹ là mục tiêu đánh phá ác liệt của quân địch với nhiều trọng điểm như cầu La Khê, cầu Cháy, cầu Khe Mơ, lèn Phú Lễ… Hàng ngàn tấn bom đạn của đế quốc Mỹ đã ném xuống nhằm cắt đứt giao thông huyết mạch vận tải hàng từ Bắc vào Nam. Đặc biệt, trận bom lịch sử ngày 9/2/1966, Mỹ đã ném 58 quả bom xuống mảnh đất Hương Trạch, trong đó 6 quả trúng vào Trường cấp II Hương Phúc đang trong giờ học, cướp đi sinh mạng của 33 học sinh lớp 5; 24 học sinh và thầy giáo bị thương, nhiều thanh niên xung phong trúng bom hy sinh...
Chiến tranh đã lùi xa, người dân Hương Trạch hôm nay lại say sưa tay cày, tay cuốc nỗ lực xây dựng Hương Trạch giàu đẹp. Phó Bí thư Đảng ủy xã Hương Trạch, chị Đào Thị Thanh cho biết: Với lợi thế có đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua, cùng với phát triển kinh tế vườn hộ, các hộ dân sống ven trục đường đã mở mang thêm nhiều ngành nghề dịch vụ tăng thu nhập. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39,35 triệu đồng/người/năm. Kinh tế vườn và trang trại phát triển cả về số lượng và quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm cây ăn quả được nâng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Giá trị thu nhập từ bưởi Phúc Trạch và cam các loại ước đạt 44 tỷ đồng. Địa phương cũng đã xây dựng thành công mô hình thâm canh bưởi Phúc Trạch đạt chuẩn VietGap cho diện tích 10ha.
Với những thành tựu đáng tự hào, Đảng bộ và nhân dân xã Hương Trạch vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đón bằng đạt chuẩn nông thôn mới trong dịp mừng sinh nhật Bác Hồ và kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn huyền thoại năm nay (19/5/2019).