Trong trận chiến đấu với lửa tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, có sự tham gia của nhiều đội ngũ và sử dụng nhiều trang thiết bị. Sự phối hợp ăn ý của các lực lượng này cùng sự quả cảm của từng chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã góp phần giảm đến mức thấp nhất thương vong và thiệt hại của cộng đồng.
Còn đó những khó khăn
Có thể thấy các vụ cháy có diễn biến phức tạp đặc biệt ở các tòa nhà cao tầng, các khu công nghiệp, các kho hàng tập trung lớn các loại hóa chất... Để trị “bà hỏa” những trang thiết bị và kỹ thuật không chỉ đầy đủ mà còn phải hiện đại.
Gian nan những trận chiến với lửa. |
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, hiện nay mạng lưới đội ngũ lính cứu hỏa trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khá mỏng. Trên toàn thành phố có 16 đội chữa cháy và 10 phòng cảnh sát PCCC. Trang thiết bị chữa cháy còn khá thô sơ, gặp nhiều khó khăn trong những vụ cháy có tính chất phức tạp. Vụ cháy tòa nhà điện lực Việt Nam (11 Cửa Bắc, Hà Nội) hồi cuối năm 2011 cao tới 33 tầng khiến 11 công nhân đang xây dựng công trình này bị thương là điển hình cho việc cần các trang thiết bị chữa cháy hiện đại. Khi đó, nhiều xe thang được điều tới, nhưng do độ cao của các xe thang này chỉ đảm bảo cứu hỏa đến độ cao 53 m, tương đương tầng 17, không thể vươn tới các tầng trên 20, nên số công nhân này chỉ biết đập vỡ cửa kính và đứng chờ. Trước tình huống trên, lực lượng chữa cháy đã phải dùng những ròng rọc, thang vận của công trình để đưa số người này xuống.
Thêm vào đó, giao thông Hà Nội vẫn là những đường nhỏ, ngõ hẹp, mật độ giao thông cao. Thông thường nếu xảy ra cháy vào giờ tan tầm, các xe cứu hỏa dù có ụ còi báo động cũng không thể vượt nhanh đến hiện trường. Đó là chưa kể khả năng tiếp cận đến hiện trường đám cháy là rất khó khăn do ngõ hẹp, nhà lại ở vị trí sâu.
Trên thực tế, hạ tầng cơ sở dành cho PCCC vẫn còn kém. Nguồn nước thiếu, các trụ nước chữa cháy ít (khoảng 1 ngàn trụ, trong khi đòi hỏi cần phải có từ 6-7 ngàn trụ nước). Con số này chưa đủ để tiếp cận chữa cháy cho các khu vực sát mặt đường lớn chứ chưa kể đến những khu vực khó đi lại. Vấn đề khác với nước chữa cháy là áp lực nước ở nội đô còn yếu. Việc này dấy lên yêu cầu phát triển quy hoạch hạ tầng chứ không chỉ đầu tư vào trang thiết bị PCCC, vì đó vẫn chỉ là giải quyết phần ngọn.
Song song với đó, ý thức của nhiều người dân trong việc PCCC còn kém. Ví dụ ngay tại khu vực cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, việc đặt bếp nấu ngay gần trạm xăng trong khi không được trang bị những thiết bị PCCC cần thiết cho gian hàng cũng chính là nguyên nhân khiến vụ cháy trở nên ngày một lớn bởi không được xử lý kịp thời. Nếu được đào tạo về PCCC, hẳn người dân biết những giây phút đầu tiên của vụ cháy là rất quý giá, nếu có thể dập tắt được vụ hỏa hoạn ngay khi nó mới bắt đầu thì khả năng vụ cháy dai dẳng, kéo dài và gây thương vong cho những người tham gia PCCC sẽ không thể xảy ra.
Chiến thắng của tập thể
Qua vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo vừa qua, trước nhiều khó khăn, các chiến sĩ PCCC đã phát huy được kỹ thuật chữa cháy mà mình đã được đào tạo và từ chính kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác. Song song với quá trình phun bọt dập lửa, lực lượng PCCC cũng phải phối hợp với khả năng làm mát, giảm nhiệt độ cháy, tránh nguy cơ xăng sôi trào ra ngoài téc dẫn tới nguy cơ cháy lan sang khu vực xung quanh.
Trong giai đoạn bùng cháy trở lại, áp lực dòng xăng từ xe téc phun ra rất mạnh, lực lượng PCCC đã phối hợp cắt ngọn lửa lan dưới mặt đất và cả trên bề mặt xe téc xăng bằng cả bọt khí và bột. Tiếp đó là khoanh vùng ngọn lửa bằng cát ẩm. “Do đặc thù của mỗi đám cháy có sự phức tạp khác nhau, nhất là những đám cháy xảy ra ở nhà cao tầng, cháy xăng dầu, hóa chất... Phải dựa vào tình huống cháy của từng vụ cháy để phối hợp kỹ thuật chữa cháy cho phù hợp” - Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Đặc biệt, sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng PCCC đã mang đến hiệu quả cao cho công tác chữa cháy. Với 4 lực lượng nòng cốt bao gồm lực lượng PCCC chính quy thuộc Bộ Công an, lực lượng PCCC chuyên ngành và sự phối hợp của lực lượng PCCC cơ sở bao gồm lực lượng công an và dân phòng ở phường xã. Họ đều đã được huấn luyện PCCC một cách căn bản. Đặc biệt là sự phối hợp rất tốt với Ban CHQS quận Hoàn Kiếm và Đại đội Phòng cháy chữa cháy, phòng hóa (Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội).
Khi nhận được thông tin vụ cháy, Đại đội Phòng cháy chữa cháy, phòng hóa nhận được lệnh thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Đơn vị đã đưa 3 xe chữa cháy, 400 lít bọt chữa cháy, cùng 25 cán bộ, chiến sĩ cơ động đến hiện trường. Nhận định nhanh tình hình và căn cứ vào phương án chữa cháy đã thống nhất giữa các lực lượng, đơn vị chia làm ba lực lượng. Lực lượng thứ nhất có nhiệm vụ chuyển bọt chữa cháy, tiếp nước cho xe chữa cháy ở khu vực trung tâm. Lực lượng thứ hai sử dụng xẻng chuyển cát tham gia dập lửa ở khu vực xe téc. Lực lượng thứ ba sẵn sàng sử dụng bình chữa cháy để chống cháy lan. Khu vực xảy ra cháy là xe téc chở xăng nên lửa và nhiệt bốc ra rất mạnh có thể xảy ra nổ bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, lực lượng Ban CHQS quận Hoàn Kiếm được chia ra thành nhiều bộ phận làm nhiệm vụ. Một bộ phận vận chuyển cát tạo thành “đê bao” giúp cho lực lượng phòng cháy chữa cháy bơm nước làm mát xe téc phòng ngừa nổ và ngăn không cho xăng chảy tràn ra xung quanh. Một lực lượng khác sơ tán người và tài sản tới nơi an toàn. Lực lượng còn lại tổ chức cảnh giới khu vực cháy và phân luồng giao thông.
Trước khó khăn của trận chiến với lửa, lại thấy rõ hơn vai trò của từng lực lượng PCCC và sự phối hợp sáng tạo của các lực lượng PCCC trên địa bàn.
Bài và ảnh: Lê Sơn