Tính đến chiều tối ngày 9/7, đã 84 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 13.322 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 95; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.807; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 420 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số 22 ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2 là 5 ca.
Tập trung kích cầu nội địa phát triển mạnh mẽ thị trường 100 triệu dân
Sáng 9/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chủ trì phiên họp của Hội đồng để thống nhất các chủ trương lớn trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ thời gian từ nay đến hết năm 2020.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn ở nhiều nước là đối tác lớn của Việt Nam. Không khí đầu tư, thương mại của quốc tế bị ảnh hưởng rất lớn. Kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh mẽ. Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, năm nay, ASEAN tăng trưởng kinh tế âm 2%, thế giới tăng trưởng âm 4,9%. Điều đó dẫn đến hầu hết các nước nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ. Đến nay, giá trị các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế của các nước đã khoảng 11.000 tỷ USD và có thể còn tiếp tục mở rộng. Mức bội chi ngân sách của nhiều nước được điều chỉnh tăng lên.
Trước bối cảnh đó, nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh sớm nhờ đối sách phù hợp, quyết sách kịp thời, ba tháng qua không có ca nhiễm trong cộng đồng. Tăng trưởng kinh tế nửa năm qua chỉ 1,81%, dù thấp nhất trong vòng 10 năm nhưng là mức cao của khu vực. Điều đó cho thấy, việc thực hiện mục tiêu kép đã bước đầu đem lại hiệu quả, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa không để nền kinh tế đứt gãy, đồng thời tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, Hội đồng đề xuất Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng.
Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả tháo gỡ khó khăn và tổ chức kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống của người dân. Song song với đó là chấn chỉnh, tháo gỡ những điểm bất hợp lý, hướng nhiều hơn đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn.
Bên cạnh đó là nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ, kích thích kinh tế những vấn đề trọng tâm cần giải quyết của các ngành, lĩnh vực trung hạn; trong đó có vấn đề tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và đời sống; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
"Mục tiêu cụ thể là 2020 tăng trưởng tín dụng trên 10%", tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3 đến 4 % GDP để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn; không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất ở các ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Về giải pháp phát triển, Thủ tướng chỉ đạo đổi mới sáng tạo, thúc đẩy vật liệu mới, năng lượng mới, mô hình mới, làn sóng đầu tư mới. Thủ tướng một lần nữa nhắc lại yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc kịp thời điều chuyển vốn đối với những bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong lĩnh vực này.
Tập trung kích cầu nội địa phát triển mạnh mẽ thị trường 100 triệu dân, đặc biệt không để mất thị trường quốc tế bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn; nghiên cứu thị trường mới, đẩy mạnh thanh toán điện tử.
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Lạng Sơn
Ngày 9/7, tại trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lạng Sơn về công tác cách ly tại một số cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức, Trưởng đoàn kiểm tra, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn trong công tác cách ly tại một số cơ sở cách ly tập trung. Đặc biệt, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã được bổ sung, bố trí đầy đủ máy đo thân nhiệt, phân luồng nhập cảnh rõ ràng, đảm bảo được vật tư y tế và các phương án dự phòng khác.
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý, Lạng Sơn có đường biên giới dài, nguy cơ xuất nhập cảnh trái phép là cao, do đó cần tăng cường giám sát chặt chẽ các đường mòn, lối mở; quản lý tốt các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép trong khu cách ly tập trung, tránh nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng. Tại các cơ sở khách sạn, nhà nghỉ thực hiện việc cách ly do người cách ly tự nguyện chi trả, cần giới hạn lại số người cách ly, không nên quá tập trung đông người để có thể dễ dàng kiểm soát nếu có trường hợp nhiễm bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho biết, tỉnh đã chủ động trong việc thành lập các khu cách ly tập trung trên địa bàn. Ngoài 3 cơ sở cách ly trên, hiện toàn tỉnh còn có 13 cơ sở nhà nghỉ, khách sạn thực hiện việc cách ly do người cách ly tự nguyện chi trả. Trong quá trình cách ly tập trung, các công dân được khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe hàng ngày; xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đủ 2 lần theo quy định. Tổng số mẫu đã làm xét nghiệm 2 lần là trên 9.400 mẫu, trong đó có trên 9.100 mẫu âm tính, hiện còn 350 mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm.
Tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo các địa phương chia sẻ với Lạng Sơn trong việc thực hiện cách ly đối với chuyên gia người nước ngoài vào làm việc tại tỉnh; sớm ban hành văn bản hướng dẫn trong việc thực hiện cách ly đối với người xuất nhập cảnh trái phép; có hướng dẫn cụ thể trong việc thu phí xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với đối tượng là chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hỗ trợ Lạng Sơn một hệ thống máy xét nghiệm Sinh học phân tử (Realtime RT-PCR), hỗ trợ vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm để đảm bảo việc xét nghiệm đúng, đủ và kịp thời cho các đối tượng.