Công nhân với nỗi lo ngộ độc thực phẩm

Trong những tháng gần đây, TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở các khu chế xuất – khu công nghiệp. Riêng trong tháng 7 toàn thành phố đã xảy 4 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 600 ca phải nhập viện. Điều này cho thấy, việc kiểm tra giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang bị buông lỏng.

Dùng thực phẩm “ế” để chế biến cơm công nhân

Vụ ngộ độc gần đây nhất, 28 công nhân của công ty TNHH may thêu Liên Hưng (Lô 17, đường số 2, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) sau khi ăn trưa với các món là cá ngừ, thịt bò xào, sườn ram, canh trứng cà chua, su su xào đã bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Quốc Ánh. Được biết, cơ sở cung cấp suất ăn trên vừa bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đình chỉ hoạt động do vi phạm an toàn trong cung cấp, chế biến thực phẩm nhưng sau đó lại lén lút hoạt động trở lại. Hiện nay, cơ sở Sao Việt đã bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động và tạm thu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Giá cả càng leo thang thì bữa ăn của công nhân ngày càng bị teo tóp và không đủ chất dinh dưỡng bên cạnh đó nỗi lo nơm nớp bị ngộ độc thực phẩm là khó tránh khỏi.

Cần phải giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến thức ăn sẵn.


Chị Nguyễn Thị Chi, ngụ ở Dĩ An – Bình Dương, người chuyên cung cấp suất ăn công nhân cho biết: Gia đình tôi nhận nấu khoảng 300 suất ăn cho một công ty ở Bình Dương với giá 6.000 đồng/suất ăn. Với giá khách hàng đưa ra và cộng thêm lợi nhuận thì khó có thể nấu được một suất cơm đảm bảo chất lượng với đồ ăn tươi sống được. Để nấu được suất cơm với giá đó tôi thường đi đặt mua những loại thịt, cá “ế” về chế biến còn rau củ quả thì mua ở những hàng xe đẩy cho rẻ. Do gần đây giá thịt tăng vọt, công ty đặt đồ ăn đã nâng mức giá lên 9.000 đồng/phần nhưng với giá đó công nhân cũng khó mà được phục vụ bằng những thực phẩm tươi sống. Theo quan sát của chúng tôi, nơi chế biến thức ăn cho công nhân của gia đình chị Chi khá chật hẹp, sát nhà vệ sinh và những thành viên tham gia vào công việc này lại không hề được trang bị khẩu trang hay bao tay khi cho thức ăn vào trong phần cơm. Một thành viên của gia đình chị còn cho biết: Công ty đặt đồ ăn chỉ cần chúng tôi nộp được giấy tờ hợp lệ chứ chưa bao giờ xuống để kiểm tra khu vực nấu ăn thế nào.

Anh Nguyễn Đình Dân, công nhân ở khu chế xuất Tân Bình than: Mấy ngày nghe công nhân bị ngộ độc thực phẩm nhiều quá nên mỗi lần ăn cơm lại có cảm giác lo sợ không biết khi nào sẽ tới lượt mình phải nằm viện do ngộ độc thực phẩm, nhưng không ăn thì đói. Cơm công nhân khê cháy, canh thì lòng bòng vài cọng rau, đôi khi có cả mùi ôi thiu cũng là chuyện thường.

Như vậy, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn đang xem nhẹ sức khỏe của người lao động, chất lượng bữa ăn thấp, nhiều doanh nghiệp “khoán trắng” cho những đơn vị cung cấp suất ăn mà thiếu sự kiểm tra giám sát ở những nơi cung cấp thức ăn công nhân cho doanh nghiệp.

Phải có chế tài mạnh

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý KCX - KCN TP.HCM cho biết: Từ đầu năm đến nay, có 15 vụ đình công đa số là do suất ăn của công nhân quá kém. Khi chất lượng bữa ăn quá kém, lại tăng ca liên tục, nhất là ở những doanh nghiệp thậm dụng lao động, khiến cho người lao động không đủ sức để tái tạo sức lực nên dẫn đến tình trạng công nhân đình công và nhảy việc.

Trước thời điểm Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực ngày 1/7/ 2011, những vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra như gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất VSATTP. Để không còn xảy ra ngộ độc thực phẩm, các cơ quan chức năng phải có một chế tài mạnh. Cụ thể, doanh nghiệp phải có căng tin cung cấp bữa ăn trưa và bảo đảm VSATTP. Còn nếu đặt suất ăn ngoài thì phải đặt tại những cơ sở có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận VSATTP, phạt thật nặng đối với những cơ sở cung cấp thức ăn dẫn đến tình trạng ngộ độc của công nhân.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP.HCM, toàn thành phố có nhiều cơ sở chế biến thức ăn sẵn và các quán cơm bụi nên rất khó quản lý. Đặc biệt, tại các khu vực nội thành, với không gian chật hẹp nhiều cơ sở tận dụng diện tích ngõ, hẻm để chế biến thức ăn trong điều kiện không đảm bảo VSATTP. Những vi phạm về VSATTP phổ biến là: cơ sở chế biến không đảm bảo VSATTP, người chế biến không có giấy tập huấn, thức ăn được chế biến không rõ nguồn gốc... Hiện, Chi cục VSATTP thành phố đang phối hợp với thanh tra Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở chế biến và kinh doanh thức ăn làm sẵn để ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm.

Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN