Có tâm lý rút bảo hiểm xã hội một lần cho an toàn

Đây là vấn đề được cán bộ công đoàn nêu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động Hà Nội tổ chức mới đây.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang đưa ra 2 phương án về rút BHXH một lần:

Phương án 1, người lao động sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu được rút BHXH một lần.

Phương án 2, người lao động chỉ được rút BHXH không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Chú thích ảnh
Ông Tô Mạnh Linh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol phát biểu ý kiến.

Ông Tô Mạnh Linh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol cho rằng, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua có xu hướng ngày càng gia tăng.

Điều này được thể hiện rõ nét qua việc đánh giá hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần được Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và các ý kiến tranh luận, thảo luận về 2 phương án hưởng bảo hiểm một lần tại Kỳ họp Quốc hội tháng 11 năm ngoái.

"Chính sách cho người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần cần được duy trì và không phân biệt trước hay sau khi có luật sửa đổi, bởi đây là quyền lợi chính đáng của người lao động. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc, công bằng của bảo hiểm xã hội được nêu trong quan điểm xây dựng Luật, cũng như mục tiêu, ý nghĩa về chính sách bảo hiểm xã hội. Hơn thế nữa, việc dừng chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần có thể càng dẫn đến tâm lý quan ngại của người dân đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội”, ông Tô Mạnh Linh chia sẻ.

Dẫn dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ông Linh cho biết, Điều 126 đến Điều 128 nói về đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội. “Như vậy có thể xem Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang vận hành như một tổ chức kinh doanh tài chính và các khách hàng ở đây gồm có người gửi tiền – tức người lao động và người vay tiền là các định chế phù hợp với Danh mục đầu tư được nêu trong Điều 127 Luật BHXH (sửa đổi)”, ông Linh nhận định.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Công đoàn Vinacontrol Hà Nội, cơ chế quản lý, vận hành Quỹ Bảo hiểm xã hội cần tiếp tục được hoàn thiện nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả; nhằm tạo nền tảng để xây dựng lòng tin, sự trung thành của người dân đối với bảo hiểm xã hội.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Oanh (LĐLĐ Hoàng Mai) cho rằng cần có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu.

“Tôi đồng ý với quan điểm đề xuất giảm lợi ích từ việc rút bảo hiểm xã hội một lần theo phương án 2 của điểm đ tại Điều 77. Tuy nhiên, kiến nghị mức rút bảo hiểm xã hội không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này. Hoặc sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và đặc biệt là quy định về trợ cấp hằng tháng với người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội”, bà Oanh nêu quan điểm.

Theo bà Oanh, phương án này khắc phục được tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của thời gian qua, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

Ông Lê Văn Long, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, việc rút bảo hiểm xã hội một lần là quyết định của người lao động và cơ quan Bảo hiểm xã hội tôn trọng quyết định đó. Điều kiện để rút bình thường là trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm có yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 109, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho Cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đối với người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, suy giảm khả năng lao động thì Cơ quan Bảo hiểm xã hội luôn ưu tiên thực hiện ngay.

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố, năm 2023, Thành phố đã giải quyết cho 41 nghìn trường hợp về chế độ rút bảo hiểm xã hội một lần (chiếm trên 8%) và năm 2022 là 24 nghìn trường hợp. Giai đoạn 2019 - 2023, Bảo hiểm xã hội Thành phố giải quyết cho 173 nghìn trường hợp, có 27 nghìn trường hợp quay lại tham gia bảo hiểm xã hội sau khi giải quyết chế độ một lần (chiếm 20%).

Qua thống kê, độ tuổi giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần từ 30 - 40 tuổi chiếm 40%; 20 - 30 tuổi chiếm 27%. Các trường hợp giải quyết là chế độ một lần là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đặt biệt khó khăn. Lấy ví dụ nhiều trường hợp giải quyết chế độ 176, nhận tiền một cục dẫn đến về già không có bệ đỡ an sinh, cuộc sống rất khó khăn.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố nhấn mạnh, người lao động nên cân nhắc, bởi nếu rời bỏ bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ mất các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm y tế, lương hưu, chế độ tử tuất, mai táng phí… Chính vì vậy, tại Cơ quan Bảo hiểm xã hội Thành phố luôn có bàn tư vấn sự thiệt, hơn khi người lao động muốn giải quyết chế độ một lần. Thực tế, có khoảng 30% người lao động không rút hồ sơ sau khi được giải thích cặn kẽ.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố khẳng định, những ý kiến, kiến nghị của người lao động về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đều được Cơ quan Bảo hiểm xã hội Thành phố tiếp nhận và trình lên cơ quan có thẩm quyền xây dựng Luật theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Đồng thời đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, LĐLĐ Thành phố tiếp tục tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, đời sống của người lao động để có sự quan tâm phù hợp.

XM/Báo Tin tức
10 bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả từ hơn 2,5 tỷ đồng đến 4,4 tỷ đồng/người
10 bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả từ hơn 2,5 tỷ đồng đến 4,4 tỷ đồng/người

Bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa công bố 10 trường hợp được quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả chi phí lớn từ hơn 2,5 tỷ đồng đến 4,4 tỷ đồng từ năm 2023 đến hết tháng 4/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN