Theo ông Marc, để giúp đỡ NKT, tạo việc làm vẫn chưa đủ mà quan trọng hơn là phải tạo cơ hội, điều kiện cho họ phát triển. Quan điểm tuyển dụng nhân viên nằm trong triết lý kinh doanh của Donkey Bakery là không dựa trên bằng cấp. Donkey có ba tiêu chí riêng là tính cách, sự nỗ lực học hỏi và ý chí vươn lên, mong muốn thay đổi cuộc sống. Đủ ba tiêu chí đó, người lao động được nhận vào công ty.
“Các em ở đây là NKT nhưng phải làm việc như người bình thường. Không có bất cứ sự ưu tiên nào giữa những người khuyết tật và một số ít lao động là người bình thường. Sản phẩm và dịch vụ tốt là hai điều cơ bản nhất các em phải đáp ứng vì chúng tôi phục vụ hơn 90% khách ngoại kiều sống ở Việt Nam. Tuy không nói được nhưng bằng cử chỉ và hành động, các em phải thể hiện làm sao mỗi khách hàng đến đây- dù là những người khó tính nhất cũng phải hài lòng”, ông Marc cho hay.
Đối với thương hiệu thời trang Chula, khi khách hàng ghé thăm có thể khó hiểu khi ngôn ngữ giao tiếp chính giữa chủ- thợ ở đây là ngôn ngữ ký hiệu. Chula hiện sử dụng tới gần 90% nhân công là những người khiếm thính, khuyết tật vận động, khuyết tật ngôn ngữ. Cơ sở này do cặp vợ chồng người Tây Ban Nha là Diego Cortizas - một kiến trúc sư và Laura Fontan lập nên từ năm 2006.
Ông Diego Cortizas cho biết, từ nhân viên đầu tiên là người khiếm thính, đến nay chúng tôi đã có 56 nhân viên, trong đó 49 người là khuyết tật, đa số là người khiếm thính.
Họ được nhận mức lương và chế độ đãi ngộ như những người bình thường. Họ còn được trợ cấp tiền ăn trưa, chi phí đi lại, thưởng theo năng suất sản phẩm làm ra. Trong một số trường hợp, ông bà còn giúp đỡ thêm và ứng xử linh hoạt để không làm tổn thương đến những con người đang cộng tác với mình.
Bí quyết thành công sau 5 năm sử dụng lao động là người khuyết tật của Chula, theo ông Diego: “Tất cả nhân viên ở đây dù là người bình thường hay khuyết tật đều làm việc bình đẳng. Người làm nhiều thì lương cao và ngược lại. Chula tuyển gần 90% lao động là người khuyết tật để họ thấy mình là đa số, là chủ vận hành công ty từ đó họ tự tin làm việc”. Ông Diego cũng để cho họ hoàn toàn chủ động trong công việc của mình. Thoạt đầu, ông vẽ ra mẫu thiết kế sau đó để người khuyết tật tự làm theo sự sáng tạo của họ. Như vậy ông thấy họ có năng lượng làm việc tốt hơn cũng như hiệu quả công việc tốt hơn rất nhiều. Nhờ vậy, thông thường khi đến đây, các nhân viên mới bắt đầu học việc, nhưng sau 7 tháng đã có thể tự tin làm được 1 chiếc váy hoàn chỉnh.
Đến thành công trong kinh doanh
Hiện, Chula bán mỗi tháng 200 chiếc váy. Chúng có thiết kế khác nhau, sử dụng các chất liệu lụa của Việt Nam, với những họa tiết phong phú mang âm hưởng văn hóa Việt Nam. Trang phục của Chula được bán cho những cửa hiệu lớn tại Hà Nội và các khách hàng thuộc các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á và một số thành phố ở châu Âu, châu Mỹ.
Tại xưởng may, Lưu Thị Miền (Giao Thủy, Nam Định) đã có thâm niên làm việc ở Chula 4 năm chia sẻ: “Em và nhiều bạn thích làm ở đây vì công việc khá phức tạp, đòi hỏi tính sáng tạo cao chứ không như những nơi khác họ thường bố trí cho bọn em những công việc đơn giản, rập khuôn. Thu nhập hàng tháng của em được 4,5 - 5 triệu đồng/tháng nên ngoài chi phí ăn, ở em còn tích lũy được tiền gửi về quê phụ giúp cha mẹ. Em cũng rất hài lòng với các chế độ ở đây vì ngoài lương cơ bản và theo sản phẩm, nhân viên ở Chula còn được hưởng nhiều chế độ khác như, nếu đi xe máy - được hỗ trợ xăng xe đi lại, có con được trợ cấp tiền nuôi con, thuê nhà - được trợ cấp tiền thuê…“.
Còn Nguyễn Phương Liên, 22 tuổi, nhà ở phố Huế, Hà Nội, cho biết cô đã làm ở đây được 3 năm. Hàng tháng, Liên cũng có tiền để dành. Các nhân viên khác cũng vậy. Tất cả trong số họ đến đây làm việc là do bạn bè giới thiệu hoặc tự tìm đến Chula xin làm việc. Khi được hỏi có muốn đổi sang làm công việc khác, tất cả đều lắc đầu và ra hiệu rằng công việc rất tốt, có cộng đồng cùng làm việc, giúp đỡ lẫn nhau nên chẳng muốn thay đổi sang công việc khác.
Hàng tuần có từ 200 - 300 khách hàng đến với Donkey Bakery, trong đó có các đại sứ quán Hà Lan, Anh, Ôxtr âylia… tại Việt Nam. Marc và bà Luyen tự hào về các loại bánh ngọt của mình. Bánh được nhiều khách hàng khen ngợi là độc nhất và ngon nhất theo tiêu chuẩn châu Âu. 90% khách hàng của Donkey Bakery là người nước ngoài và doanh nghiệp hiện đang hướng đến làm các sản phẩm phù hợp với nhu cầu người Việt Nam. Mới đây, bánh ngọt và nho khô của Donkey Bakery đã có mặt tại Cửa hàng Tự nhiên Việt Nam và Chợ phiên cuối tuần Tây Hồ - phiên chợ thực phẩm an toàn, chất lượng cao, được thành lập bởi một nhóm các chuyên gia tận tâm với vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Còn các sản phẩm may đo như sơmi, áo phông, đồng phục, chăn, ga, gối… thường được các nhà hàng 5 sao và các công ty nước ngoài đặt may.
Với kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam lâu năm về các vấn đề liên quan đến người khuyết tật, bà Vejs-Kjeldgaard- Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam chia sẻ: “Ở những nước đang phát triển, người khuyết tật thường là những người nghèo nhất trong số những người nghèo, ít có cơ hội tham gia đầy đủ vào xã hội. Ở Việt Nam cũng vậy, trong số hơn 6,1 triệu người khuyết tật, rất ít người ở độ tuổi lao động có việc làm ổn định và thu nhập đều đặn. Nhiều người không được làm việc trong khu vực chính thức do cách ứng xử thiếu thiện cảm cũng như những định kiến sai lầm về khả năng của họ. Nhưng, những chủ nhân của Donkey Bakery và Chula đã chứng minh ngược lại: “Những người khuyết tật có thể làm việc và cống hiến như những người bình thường và hãy cho họ cơ hội để chứng tỏ”.
Lý Hà