Nơi thử thách bản lĩnh và tình yêu nghề
Vượt lên những nhọc nhằn, vất vả, hiểm nguy, người lính thợ ở Trung tâm Bom mìn 20 nói riêng cũng như những người lính công binh nói chung làm nhiệm vụ dò gỡ bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh ngày ngày đo đếm đất bằng kim, bằng thuốn để biến những vùng đất tưởng chừng đã chết trở thành vùng đất tràn đầy nhựa sống.
Những chuyến đi không thể quên
Cán bộ, chiến sĩ Trung tâm rà phá bom mìn 20 tại cảng Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh: Võ Ba |
Không có nhiều cơ hội đi với các anh, nhưng qua những lần thực tế ít ỏi và không ít câu chuyện kể của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia rà phá bom mìn, vật nổ làm chúng tôi cũng thấy ớn lạnh sống lưng. Bên cạnh nguy hiểm rình rập tính mạng do bom mìn, vật nổ có thể gây ra bất cứ lúc nào, nhiều chuyến đi các anh phải trèo đèo lội suối, cơm nắm, mắc võng ngủ rừng để thực hiện nhiệm vụ. Như chuyến hành quân rà phá bom mìn trên đại ngàn Trường Sơn thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cán bộ, chiến sĩ của trung tâm hành quân bộ hơn 30 km đường rừng, người đi trước phát cây mở tuyến, những người phía sau hì hục cõng, vác dụng cụ, máy móc, lương thực, thực phẩm hàng chục ki lô gam trên vai để vào tuyến. “Vào đến tuyến, trước khi thực hiện nhiệm vụ, việc đầu tiên phải làm đó là củng cố tư tưởng bộ đội, vì có không ít người lần đầu tiên đi rừng, ngủ võng mà trước đó chỉ xem trên ti vi trong các bộ phim về đề tài chiến tranh, nay mới có cơ hội trải nghiệm. Khi đêm xuống, giữa chốn rừng thiêng nước độc, chim kêu vượn hú, rắn rết... nên bộ đội phải tập trung ngủ cùng nhau. Rồi chống chọi lại với sốt rét rừng, muỗi vắt, ruồi vàng, bọ chó, những “đặc sản” đặc trưng của rừng Trường Sơn, của vùng biên giới giáp Lào”, thiếu tá, kỹ sư Võ Văn Ba chia sẻ.
Những chuyến đi dài ngày giữa rừng, rồi thực hiện dò, gỡ, rà phá cả ban ngày, lẫn ban đêm ở nhiều địa hình, cả đồng bằng, vùng núi, dưới sông, dưới biển, trực tiếp đối mặt với hàng chục, hàng trăm loại bom mìn, vật nổ càng làm cho tình cảm những người lính thợ Trung tâm Bom mìn 20 gắn kết thêm, đồng cảm, chia sẻ, động viên nhau để cùng vượt qua khó khăn, hiểm nguy hoàn thành nhiệm vụ. Những cái tên gắn liền với các chuyến đi và nhiệm vụ lặng thầm, hiểm nguy không thể không nhắc đến thiếu tá, kỹ sư Võ Văn Ba, trung tá Nguyễn Văn Huynh, trung tá Đàm Quang Nghĩa, trung tá Phạm Đình Sơn, đại úy Thái Khắc Dũng...
Cán bộ, chiến sĩ trung tâm xử lý một quả bom ở Quảng Trị. Ảnh: Võ Ba |
Tuy không muốn nói về mình, chỉ nói về công việc đang làm nhưng qua tìm hiểu từ những người đồng đội trong đơn vị, tôi cũng biết được hầu hết các anh đều có thâm niên hàng chục năm với nghề đối mặt với tử thần ấy. Việc làm của các anh đã và đang góp phần chung tay khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, trả lại màu xanh cho nhiều vùng đất chết trên địa bàn cả nước. Đó là niềm vui, là động lực và nguồn động viên không nhỏ để các anh tiếp tục những cuộc hành trình phía trước không kém phần khó khăn gian khổ.
Vượt khó gắn bó với nghề
“Ở trung tâm, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, không ít cán bộ, chiến sĩ tuổi đời tuổi nghề còn trẻ song cũng có thâm niên cả chục năm với cái nghề ngày ngày đối mặt với tử thần. Do yêu cầu nhiệm vụ, nhiều chuyến đi thi công dài ngày, xa gia đình, vợ con, mặc dù vậy cán bộ, chiến sĩ đều có chung suy nghĩ, đã chọn, đã yêu và khoác lên mình màu áo lính thì khó khăn nào cũng vượt qua”, đó là tâm sự của trung tá Đàm Quang Nghĩa, Phó Giám đốc trung tâm. Còn với đại úy Thái Khắc Dũng, Đội trưởng Đội 20, được đào tạo bài bản tại Trường sỹ quan Công binh và lớp đội trưởng rà phá bom mìn, tốt nghiệp ra trường, anh được điều động về công tác ở Lữ đoàn 239 và Lữ đoàn 279 (Bộ Tư lệnh Công binh). Sau hơn 5 năm gắn bó với đơn vị chiến đấu, anh được cấp trên điều chuyển sang Tổng Công ty 36. Là một sĩ quan còn khá trẻ, mới 34 tuổi, song tuổi nghề cũng có cả chục năm lại có được sự đồng cảm từ phía gia đình, anh kể: “Cũng may, hầu hết gia đình anh em trong đội đều cảm thông và động viên nên chúng tôi thêm yên tâm gắn bó với công việc”.
Câu chuyện về những người lính rà phá bom mìn, vật nổ đến nay luôn “nóng” và thu hút sự chú ý của cộng đồng dư luận trong nước và quốc tế. Với quan điểm mà Tổng Công ty 36 luôn xác định, thực hiện trong suốt những năm qua đó là cùng nỗ lực chung tay với Chính phủ, các ngành, các cấp, sự giúp đỡ quý báu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh. Chính từ những nỗ lực ấy nên đến nay, trên địa bàn cả nước đã có hàng triệu quả bom mìn, vật liệu nổ được thu gom, xử lý, góp phần giải phóng hàng nghìn ha đất, làm trong sạch môi trường sống, giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Trong thành tích ấy, có sự đóng góp của những người lính thợ Trung tâm Bom mìn 20.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn còn rất lớn, chiếm tới hơn 20% diện tích cả nước gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân, cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. |
Thái Hà