Tỉnh Khánh Hòa có chính sách hỗ trợ mỗi tháng 200.000 đồng/học sinh các xã miền núi tiền ăn trưa tại các trường học học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất thiếu thốn, không có người phục vụ nấu ăn... đang là những thực tế gây lo lắng, áp lực cho nhà trường.
Giảm tỷ lệ bỏ học
Tại trường tiểu học Khánh Nam, huyện miền núi Khánh Vĩnh, nhà trường tận dụng nhà công vụ của giáo viên để làm nhà bếp. Tuy chật hẹp nhưng các cô phục vụ vẫn chuẩn bị đồ ăn, nước uống tươm tất cho các em học sinh. Mỗi em được hướng dẫn rửa tay và mang một khay đến nhận thức ăn. Thức ăn được các cô chuẩn bị gồm thịt, cá, rau, canh đầy đủ. Cô mang nồi cơm lớn ngồi ở giữa, các trò ôm khay vây quanh nhận cơm. Sau đó các em trở về lớp ngồi ăn. Em nào cũng khen cơm ở trường rất ngon. Một học sinh cho biết: “Ở trường ăn cơm có cá, có thịt ngon hơn ở nhà. Ở trường có các bạn ăn rất vui”.
Học sinh vây quanh cô giáo trong giờ cơm trưa. |
Tại Trường tiểu học Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, các em học sinh cũng hết sức hào hứng khi được phục vụ cơm trưa tại trường. Các chị nhà bếp chia phần rồi bưng lên dọn sẵn ở “nhà ăn dã chiến” được che bạt làm tạm ở một góc sân chơi. Khi có kẻng báo cơm, các em chỉ cần quây quần lại là có cơm ăn.
Thầy Nguyễn Văn Sỹ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khánh Nam, cho biết: “Từ khi có chương trình ăn trưa ở trường, tình trạng vắng học vào buổi chiều của các em học sinh giảm hẳn. Trước đây, nhiều em nhà xa đi lại khó khăn, học buổi sáng xong, về nhà rồi buổi chiều thường nghỉ học. Còn bây giờ được ăn cơm ở trường với các bạn, các em rất vui, thích đi học từ đó chất lượng học tập nâng cao rõ rệt. Không những vậy, việc thực hiện chính sách này sẽ góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em miền núi”.
Tương tự ở Trường tiểu học Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh), có đến 205/207 em là người dân tộc thiểu số, các em đều được tổ chức ăn cơm trưa và nghỉ trưa tại trường. Các em hết sức hào hứng nên tỷ lệ chuyên cần đạt trên 95%.
Cần xây dựng nhà ăn đạt chuẩn
Việc ăn trưa đem nhiều lợi ích thiết thực nhưng theo thầy Nguyễn Văn Sỹ, hiện nay nhà trường còn nhiều điều lo lắng, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường không có nhà ăn, đồ ăn, cơm canh đành phải kê tạm ở vài chiếc bàn đặt ở hành lang lớp học. Nhà bếp của giáo viên được huy động làm bếp, chật hẹp, sử dụng bếp củi, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh… Tại khu nấu ăn ở trường Khánh Nam, nhà bếp chật hẹp, nơi để nước ăn khá bẩn và không có hệ thống thoát nước. Điều này khiến thức ăn thừa, phụ phẩm khi nấu ăn tạo thành bãi sình lầy rất bẩn thỉu. Việc nghỉ ngơi cho các em học sinh cũng tạm bợ, với việc trải chiếu nằm giữa sàn lớp học để ngủ trưa, không có tủ cho các cháu cất đồ dùng, thay quần áo…
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2 của Đề án Tăng cường cơ sở vật chất các trường học 2 buổi/ngày đang được Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa lập đề án với việc xây dựng nhà ăn, nơi nghỉ, đào tạo đội ngũ bảo mẫu cho các trường với nguồn vốn 70 tỷ đồng. Đề án dự kiến sẽ triển khai trong năm 2014 - 2015. Như vậy, ít nhất 2 năm nữa các trường mới có thể yên tâm chăm lo sức khỏe cho các học sinh dân tộc thiểu số của mình. |
Tình trạng trên không chỉ tồn tại tại trường Khánh Nam. Cô Lê Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Thành, chia sẻ: Nồi niêu chén bát, chiếu, gối… đều phải tự vận động nguồn xã hội hóa hoặc nhờ sự hỗ trợ của địa phương. Nhà trường còn rất lo lắng khi trông giữ các em học sinh. Từ khi đưa việc ăn trưa vào thực hiện, giáo viên phải “tăng ca”, thay phiên nhau ở lại trường để chăm nom, quản lý học sinh. Điều này làm các cô rất mệt mỏi, khi vào giờ dạy buổi chiều.
Theo Phòng GD&ĐT huyện Khánh Vĩnh, huyện có 13 trường tiểu học cũng lâm vào tình trạng tương tự, không có nhà ăn, khu nghỉ, thiếu thốn phương tiện phục vụ… Nhà trường phải vận động xã hội hóa hoặc nhờ sự hỗ trợ của địa phương. UBND huyện Khánh Vĩnh đã quan tâm trích ngân sách, hợp đồng với 55 cấp dưỡng để kịp thời triển khai việc ăn trưa trong năm học này cho các em học sinh.
Tình trạng tương tự ở huyện Khánh Sơn, các trường đều chưa có nhà ăn, nhà bếp đạt tiêu chuẩn, học sinh ăn tại hành lang lớp học, nâng cấp nhà để xe của giáo viên thành nhà ăn… Việc ngủ trưa cũng hết sức bất tiện, các em phải trải chiếu giữa lớp học hoặc vào thư viện, văn phòng để các em ngủ trưa. Khi triển khai thực hiện bán trú, các trường không có kinh phí thuê bảo mẫu nên mỗi buổi trưa các thầy, cô giáo phải phân công nhau ở lại trông coi việc ăn uống, ngủ nghỉ của học sinh. Ông Nguyễn Tấn Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi Khánh Sơn cho biết, mặc dù bắt đầu từ tháng 3/2013, Sở GD&ĐT đã có chủ trương cho các trường hợp đồng thuê bảo mẫu phục vụ công tác bán trú. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chưa được cấp mà phải lấy từ kinh phí của nhà trường. Với những trường vùng xa, số lượng học sinh ít, ngân sách rất eo hẹp không đủ tiền thuê phục vụ, bảo mẫu.
“Hiện tại, toàn bộ 7/8 trường tiểu học trên địa bàn huyện đã áp dụng việc ăn trưa nhưng chưa có khu nấu ăn. Phòng GD&ĐT huyện rất lo lắng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên phải nhờ các trường mầm non nấu giúp. Tuy vậy, chế độ ăn uống của các cháu mẫu giáo và tiểu học cũng khác nhau. Điều này cũng là thiệt thòi cho các cấp dưỡng ở đây vì họ phải làm việc gấp đôi bình thường mà không có phụ cấp thêm. Ngoài ra, huyện có 6/7 trường tiểu học chưa có bảo mẫu”, ông Lâm chia sẻ.
Trao đổi về những khó khăn hiện nay, ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Đây là chương trình giúp ngành giáo dục chống bỏ học, chống suy dinh dưỡng, rèn luyện kỹ năng sống trong môi trường tập thể. Chính quyền địa phương, phụ huynh rất quan tâm và ủng hộ. Tuy nhiên, do mới triển khai nên gặp nhiều khó khăn, tất cả những vấn đề trên Sở giáo dục đã nắm được và từng bước giải quyết trong giai đoạn 2 của đề án tăng cường cơ sở vật chất các trường học 2 buổi/ngày. Đề án sẽ chú trọng việc đào tạo đội ngũ bảo mẫu có tay nghề trong nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh bán trú.
Bài và ảnh:Quang Đức