Hồ thủy điện Sơn La là một trong 5 hồ nước nhân tạo khổng lồ của vùng Tây Bắc gồm hồ Hòa Bình, hồ Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát, Nậm Chiến. Hồ nước “đựng” trong một thung lũng hẹp, chỗ rộng nhất 1,7 km với chiều dài lòng hồ 175 km nằm trên địa phận 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao sừng sững của núi Pha Mường, Pha Lạn, Pha Đin (phía tả ngạn), núi Pu Lếch, Pu Lao, có đỉnh Tạng Khẻ cao 2.020 m (phía hữu ngạn) thuộc tỉnh Sơn La, cùng với những dãy núi chọc trời khác như Pu Sam Sao, Pu Sam Cáp, Pu Đao thuộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Làng cá ven hồ Sông Đà của đồng bào Thái ở xã Pa Ma - Pha Khinh, huyện Quỳnh Nha, mới hình thành sau khi hồ thủy điện Sơn La tích nước từ tháng 8/2010. |
Cụ Lò Na Hỏ, ở Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), kể về sự tích, tên núi, tên sông vùng hồ sông Đà: Xưa ở bản Pi Toong, vợ chồng nhà nọ có 3 đứa con trai đã đến tuổi đi hỏi vợ, nhưng nhà nghèo, chẳng có của nải gì. Vì vậy, người con cả phàn nàn trách phận. Nghe vậy, người bố liền trả lời: “Tam nam bất phú” (sinh 3 đứa con trai, nhà không thể giàu có). Người con thứ hai lại hỏi: Bố đi bói cho người khác, chỉ chỗ cho người ta đào được vàng, được bạc, sao không bói cho các con chỗ mỏ vàng? Ông bố trả lời, nếu các con biết nghe lời, đoàn kết, hợp sức nhau thì có thể làm được việc lớn. Cả ba đứa con nghe vậy, liền đồng thanh trả lời: Đồng ý.
Hôm đó, người bố nọ đã dẫn các con của mình đến một nơi, rồi chỉ vào cái vách đá cao sừng sững và dặn: Các con phải đào xuyên qua lòng núi này, đến lúc trời tối sẽ xuất hiện 3 con vật lần lượt chạy ra. Con vật thứ nhất màu vàng óng, đó là thần Vàng, con thứ hai màu bạch là thần Bạc, cuối cùng là con màu đen tuyền. Nghe lời dặn của bố, ba chàng trai miệt mài đào núi, hết mùa trăng non này tiếp mùa trăng non khác, rồi cũng đào xuyên lọt lòng núi. Như lời dặn, ba anh em nhà nọ mang dây ra căng sẵn trước cửa hang, tay cầm cây gậy gỗ thức ngày, thức đêm để đón “thần” may mắn. Rồi dịp may cũng đến, khi trời đất bắt đầu rung chuyển thì xuất hiện một con ngựa màu vàng chóe vừa chạy vừa hý vang lao ra khỏi hang. Thấy thế, người bố hô to: Chính nó đấy, bắt lấy đi. Cả ba người con mải ngắm tia hào quang chói sáng từ con ngựa thần tỏa ra mà đứng “chôn chân”, lỡ để cho nó chạy mất. Họ tiếc lắm, chờ đến tối thứ hai, người bố lại dặn: Khi con vật chạy ra, các con nhớ cùng nhau lấy gậy đập vào chân nó.
Với lợi thế hơn 10.500 ha diện tích mặt nước từ vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, bà con bản tái định cư Co Trặm, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai đẩy mạnh nghề nuôi cá lồng. |
Nhưng, lần này cũng vậy, nghe tiếng hý của chú ngựa bạch phi ra cửa hang thì cả ba chàng trai đập trượt, để ngựa bay đi mất. Tiếp tục chờ đến tối thứ 3 và cũng là dịp thử thách cuối cùng đối với ba chàng trai bản Pi Toong. Lần này, vừa nghe tiếng hô của người bố hét lên: “Chính nó đấy” thì cả ba người con cùng dơ gậy lên phang trúng chân chú ngựa màu đen tuyền, đúng lúc nó vừa lao đến cửa hang. Chỉ trong chớp mắt ngựa thần “ngã quỵ” và biến thành đống sắt khổng lồ. Ba chàng trai hồ hởi nhặt lấy thành quả của mình mang về bản để rèn dao, cuốc, lưới cày cho bà con các bản trong vùng làm công cụ cày nương phát rẫy. Kể từ ngày ấy, dân bản Pi Toong đặt tên núi là Pu Lao (gậy đập chân ngựa), còn núi Pu Lếch theo tiếng địa phương nghĩa là núi gang, núi sắt.
Chuyện kể có thực hay không, chẳng ai kiểm chứng được, nhưng mỏ quặng sắt ở xã Chiềng Lao, mỏ vàng ở xã Pi Toong của huyện Mường La thì có thật. Tại chân núi Pu Lao, Pu Lếch xưa kia ba anh em nhà nọ đào tìm vàng, ngày nay, người ta đang xây dựng công trình thủy điện Huổi Quảng. Công trình được xây dựng trên sông Nậm Mu, thuộc xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Còn nhà máy đặt ngầm trong núi ven hồ thủy điện Sơn La thuộc địa phận xã Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Để cho nhà máy Huổi Quảng được phát điện, người ta đã phải đào 2 đường hầm dẫn nước xuyên núi, mỗi đường hầm dài 4,2 km, đường kính 7,5 m, máy phát điện cũng được đặt ngầm trong núi.
Hồ thủy điện Sơn La, mang trên mình vẻ hoang sơ của núi non, mặt hồ trải rộng 252 km2 mênh mông, bát ngát. Vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ ấy tạo nên một bức tranh thủy mặc khổng lồ vô cùng sống động hiếm có nơi nào sánh được. Ven hồ có nhiều thôn bản của đồng bào Tây Bắc như Thái, Khơ Mú, Dao, La Ha, Kháng, xinh Mun, Mảng còn giữ gìn bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây là điều kiện tốt nhất để 3 tỉnh Tây Bắc phát triển du lịch, thủy sản, giúp những hộ dân ven hồ ổn định cuộc sống, xây dựng nông thôn mới vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.