Chuyện chiếu bóng lưu động ở vùng cao

Theo dấu chân của đội chiếu bóng lưu động về các bản, nghe bà con nói và tâm sự của người chiếu bóng, chúng tôi mới hiểu, cảm thông với nghề vất vả này…


Ai cần, ai thiếu?


Cả bản Nà Đoong, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu chiều nay rậm rịch, người dân ra đầu bản để đón đội chiếu bóng về. Người chặt cây để căng phông, người đào hố chôn cọc, các thành viên của đội chiếu bóng chuẩn bị máy móc, loa đài thông báo để tối bà con đến xem phim. Đúng 20 giờ chương trình chiếu phim tuyên truyền bắt đầu. Phim tuyên truyền “Phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em”, “Nỗi đau ma túy” bằng tiếng Dao được bà con dân bản chăm chú xem. Người đến xem mỗi lúc một đông, chật kín sân, có cả thanh niên và người trung niên từ các bản lân cận đến. Phim truyện chính “Mùi cỏ cháy” lồng tiếng Dao được trình chiếu, đến đoạn bộ đội Việt Nam anh dũng xông trận bắn nhau với địch, mọi người hô hào cổ vũ rầm rộ.

Giữa buổi chiếu, trưởng bản đều lồng ghép nội dung triển khai công tác của bản và tuyên truyền một số nội dung có hiệu quả.


Gia đình anh Phàn Sờn Tiêu, 31 tuổi, dân tộc Dao đỏ tay ôm con nhỏ chăm chú xem phim. Tôi lại gần và hỏi: “Mình có thích xem phim này không?” Anh Tiêu trả lời: “Thích lắm! hôm nay cả nhà mình ăn cơm sớm và về xem đấy”… Lần này là lần thứ hai bà con của bản được xem phim do đội chiếu bóng về chiếu. Trưởng bản Tẩn Sài Phang cho biết: Bản mình rất khó khăn. Dù trong bản có một số hộ đã có ti vi nhưng mọi người rất thích xem phim màn ảnh rộng, đi xem tập thể rất vui, được xem cả nội dung tuyên truyền nên bà con hiểu và biết được nhiều… Giữa buổi chiếu phim, trưởng bản Tẩn Sài Phang khôn khéo lồng ghép phổ biến, triển khai công việc của bản tới tất cả mọi người. Buổi chiếu hôm nay thu hút khoảng hơn 300 người đến xem, sáng hôm sau đội chiếu bóng lại vào bản xa và sâu hơn để chiếu phục vụ bà con.


Đội chiếu bóng số 1 tiếp tục về cụm dân cư Hoàng Chù Van thuộc bản người Mông Chảng Phàng, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Đường đến bản khó khăn, từ trung tâm xã vào gần 30 km, đường lên dốc rồi lại xuống dốc rất nguy hiểm. Bản chưa có điện lưới, chưa có ti vi, từ trước tới giờ chưa có đội văn nghệ quần chúng hay đội chiếu bóng nào vào phục vụ bà con. Thấy đội chiếu bóng vào, bà con rất lạ lẫm vì rất ít được gặp cán bộ. Được trưởng bản Hảng A Phừ thông báo có đoàn chiếu phim về chiếu phim cho bà con xem, mọi người rất phấn khởi và giúp đội chặt cây chôn cọc dựng phông. Đêm ấy bà con được xem phim tuyên truyền “Vì ngày mai không còn ma túy”, “Nước mắt của rừng” và phim chính “Mùi cỏ cháy” lồng tiếng Mông. Xem xong, bà con ồ lên yêu cầu cán bộ chiếu tặng thêm phim để mọi người xem. Thấy vậy, anh Lưu Thiện Tuấn - đội trưởng động viên anh em chiếu thêm phim tài liệu “Giải phóng Điện Biên”, mãi đến 11 giờ hơn mới xong, bà con ra về vui vẻ.


Tại bản Hồng Thu Mán, xã Lả Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đội chiếu bóng số 21 đang chiếu phim. Chúng tôi vào nhà cạnh điểm chiếu, gặp ông Lý Sìn Dìn, dân tộc Dao là Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã và hỏi về hiệu quả của công tác chiếu bóng tại địa bàn. Ông Lý Sìn Dìn cho biết: Công tác chiếu bóng có hiệu quả tuyên truyền rất lớn, mặc dù hiện nay nhiều gia đình có ti vi xem được nhiều kênh, nhiều chương trình, nhiều phim hay nhưng chiếu bóng đưa các phim tuyên truyền bằng tiếng dân tộc có nội dung trọng tâm, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; công tác xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền để bà con hiểu không nghiện hút ma túy, không bị người xấu lừa gạt và xúi giục bỏ nhà đi, không phá rừng mà lo chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình…


Tuy vậy, các đội chiếu bóng về huyện, xã và bản vẫn gặp không ít khó khăn khi một số cán bộ không hiểu, không tạo điều kiện. Có trường hợp trưởng bản được đội chiếu bóng liên hệ để về chiếu nhưng trả lời “dân bản mình không cần xem đâu”. Thậm chí có cán bộ văn hóa huyện còn nói “người dân yêu cầu lấy tiền từ ngân sách Nhà nước chi cho công tác chiếu bóng mua ti vi phát cho bà con tự xem”.


Nâng cao hiệu quả tuyên truyền


Hiện nay, đời sống dân trí của đồng bào dân tộc dần được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã có ti vi xem, có đài FM để nghe, có điện thoại trao đổi thông tin, giao thông thuận lợi hơn nhiều… thì việc người dân hời hợt, không mặn mà với phim của Nhà nước bao cấp về chiếu phục vụ là điều dễ hiểu. Nhưng chúng ta cũng không nên gạt bỏ tính tích cực và hiệu quả của công tác này. Ông Trịnh Tuấn Anh - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho rằng: Đây là hoạt động tuyên truyền hiệu quả và thiết thực nhất. Đặc biệt, có những điểm bản ít hay chưa có hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Nhà nước thì đội chiếu bóng đã đến và chiếu phim phục vụ bà con… Theo thống kê của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Lai Châu, năm 2012 các đội chiếu bóng lưu động đã đến được 849 bản trong toàn tỉnh, phục vụ 1.350 buổi chiếu tại các điểm đến, xóa trắng 6 điểm chưa có hoạt động văn hóa của Nhà nước như hoạt động biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim phục vụ bà con.


Tại một số điểm chiếu, thanh niên bản đòi hỏi chiếu phim võ thuật hay phim hành động có đánh nhau. Nhân viên chiếu bóng giải thích đây là hoạt động tuyên truyền, phim phải được chiếu theo kế hoạch và quy định. Mọi người không nghe, không thích thì bỏ về chỉ còn lại trẻ em, phụ nữ và người già xem. Vậy công tác chiếu bóng phải thay đổi như thế nào để nâng cao hiệu quả tuyên truyền mà vẫn thu hút được nhiều người đến xem, trong khi những bộ phim đều do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa và các ngành chức năng cung cấp. Hiện Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lai Châu đã đưa một vài bộ phim hành động Việt Nam như “Hồng hải tặc”, “Dòng máu anh hùng”… vào chiếu thử nghiệm thì được bà con rất thích, đông người đến xem. Ngoài những phim tuyên truyền tài liệu quy định, Trung tâm cũng đã xem xét và báo cáo xin ý kiến chỉ đạo thay đổi một số nội dung phim truyện để thực hiện cho phù hợp với thị hiếu của người dân. Đồng thời, các đội chiếu bóng đi bản thì trung tâm cũng cử nhân viên quay phim đi cùng để quay gương tốt việc tốt, gương làm kinh tế giỏi, quay đời sống của bà con chính bản đó để phát luôn trong đêm ấy, mọi người sẽ thấy người thực, việc thực để học và làm theo.


Ông Hoàng Kim Hùng - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lai Châu tâm sự: Hiện cả nước có 50 tỉnh, thành phố có hoạt động này, Lai Châu là tỉnh nghèo, địa bàn rộng, giao thông chia cắt, bà con đa phần là người dân tộc thiểu số thì chẳng lẽ lại bỏ công tác chiếu bóng lưu động? Trong khi đó đội ngũ cán bộ, nhân viên đang cố gắng khắc phục mọi khó khăn vất vả bám bản chiếu phim phục vụ bà con…


Khác với các ngành, nhân viên chiếu bóng không có công tác phí, phụ cấp lại rất thấp chỉ được 0,6 mức lương cơ bản cho một buổi chiếu, tương ứng gần 31.000 đồng, cả đội được hỗ trợ 98.000 đồng tiền vận chuyển máy móc, thiết bị cho một điểm chiếu và tự túc phương tiện đi lại. Dù bản xa, đến được điểm chiếu nhưng trời mưa không chiếu được thì không được tính hỗ trợ. Mặc dù vậy, 26 nhân viên của 9 đội chiếu bóng lưu động vẫn yêu và say nghề, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Bài và ảnh: Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN