Chương trình 30a - động lực để Tân Sơn thoát nghèo

(Tin Tức) - Tân Sơn là huyện duy nhất của tỉnh Phú Thọ nằm trong danh sách những huyện nghèo nhất của cả nước. Với 14/17 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; dân số trên 75.000 người (83% là dân tộc Mường, Mông, Thái...), giao thông cách trở, tập quán canh tác lạc hậu... sự phát triển của địa phương đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với những nỗ lực tự thân, cộng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, Tân Sơn đã từng ngày thay da, đổi thịt.

Ông Bùi Đức Nhẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: “Được tách ra từ huyện Thanh Sơn năm 2007, cơ sở vật chất của huyện mới Tân Sơn hầu như không có gì. Việc đầu tư kịp thời từ nguồn vốn của Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, kết hợp với những chương trình, dự án khác như 135, 167, cùng với sự hỗ trợ từ các tập đoàn kinh tế đã giúp Tân Sơn có sự thay đổi khá lớn về diện mạo cũng như đời sống người dân, thể hiện qua việc tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 62% (năm 2007) xuống còn trên 41% như hiện nay, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, là huyện đầu tiên của tỉnh Phú Thọ xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, tỷ lệ che phủ rừng đạt 77%...”.

Đến nay, tổng số vốn chương trình 30a của Chính phủ đầu tư cho phát triển của Tân Sơn là 45 tỷ đồng. Lồng ghép với các nguồn vốn khác, huyện đã đầu tư xây dựng tuyến đường nhựa đến trung tâm một số xã. Xã Long Cốc là địa phương trước đây chưa có km đường rải nhựa nào, nhưng nay hệ thống đường đến trung tâm xã và các xóm đã được nâng cấp, sửa chữa, giúp đồng bào Mường nơi đây lần đầu tiên thấy đường nhựa về đến quê hương mình. Đập Bát Nhàng (xã Kim Thượng) cũng được xây dựng đảm bảo nước sản xuất hai vụ lúa của người dân trong khu vực. Xây dựng cầu treo xã Minh Đài, xây dựng trường dân tộc nội trú cho con em đồng bào các dân tộc trong huyện. Nhờ có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị khác hỗ trợ, Trường tiểu học xã Tân Phú đã được xây dựng mới khang trang, giúp học sinh không phải học ghép với trường THCS. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện xây dựng quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ người dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình sản xuất; đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở...

Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Tân Phú (Tân Sơn). Ảnh: Trương Văn Quân


Ông Nguyễn Văn Nơi, Chủ tịch UBND xã Long Cốc phấn khởi nói: “Nhờ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mà trên 3.000 người dân trong xã có đường nhựa, không còn cảnh các cháu học sinh, cụ già phải đi lại khó khăn mỗi khi trời mưa. Giao thông thuận lợi cũng là động lực để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, từng bước thoát nghèo...”. Cùng chung niềm vui đó, ông Bùi Văn Xuân, dân tộc Mường, ở xóm Đường 2, xã Mỹ Thuận chia sẻ: Cuộc sống hiện thực như trong mơ đối với người dân trong xã nói chung và gia đình tôi nói riêng. Trước đây đời sống của gia đình tôi rất khó khăn, nhưng nay đã có đủ gạo ăn cả năm, không phải ở nhà dột nát, ốm đau có bác sỹ ở trạm xá xã khám và điều trị, có bưu điện văn hóa xã để đọc sách báo, có đường giao thông thuận tiện.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, Tân Sơn còn gặp khá nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển rất lớn với 4.600 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến 2020, tiếp đó là trình độ dân trí còn hạn chế, tập quán canh tác của người dân lạc hậu, lực lượng cán bộ cơ sở còn mỏng và yếu... Từng bước khắc phục những khó khăn thực tế của địa phương, thời gian tới, huyện Tân Sơn chủ trương tiếp tục tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, các tổ chức để có nguồn lực phát triển hạ tầng; thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách đối với người nghèo và đối tượng chính sách; hỗ trợ người dân chăm sóc bảo vệ rừng sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi; đảm bảo đủ về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đủ sức lãnh đạo nhân dân tiếp cận và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất...

Trương Văn Quân /TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN