Những người con ấy không chỉ làm tròn nhiệm vụ Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó, mà trên hết đó là sự biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu, mất đi người thân để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Gia đình lớn của những cuộc đời bé nhỏNằm bên triền đê sông Đáy, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) hiện đang nuôi dưỡng 55 người, trong đó có 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi, 6 mẹ liệt sỹ, 32 vợ liệt sỹ, 9 con liệt sỹ, 6 người có công và 1 thương binh. Ngoài nhiệm vụ nuôi dưỡng, hàng năm, Trung tâm còn tổ chức các đợt tiếp nhận điều dưỡng luân phiên cho người có công đến từ các vùng, miền trên Tổ quốc.
Chăm sóc mẹ liệt sỹ tại Trung tâm. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN |
Với những người làm việc ở Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, mỗi người có công được nuôi dưỡng chăm sóc ở đây chính là ông, bà, cha mẹ mình. Thế nên, họ không chỉ dành phần lớn thời gian của mình để làm việc tại Trung tâm mà còn đau đáu lo từng bữa ăn, giấc ngủ của các cụ.
Ông Nguyễn Văn Nhiêu, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội chia sẻ: “Bất cứ nhân viên nào vào làm việc tại đây, ngay từ buổi đầu tiên, tôi đã phải tâm sự về hoàn cảnh của những người có công để anh em hiểu và có thái độ ứng xử đúng mực, phải làm sao để họ luôn cảm thấy thoải mái như đang sống ở nhà mình”.
55 người được nuôi dưỡng tại Trung tâm là 55 tính cách, sở thích, thói quen. Để chăm sóc, nuôi dưỡng được mà không có bất cứ lời phàn nàn nào quả thật không hề dễ dàng. Trong số đó, có 17 người không còn khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, cán bộ, nhân viên phải phục vụ toàn phần.
Cẩn thận nâng đầu, bón cháo cho cụ bà Nguyễn Thị Niệm, 100 tuổi nằm liệt giường đã vài năm, chị Tạ Thị Thu Thủy, Y tá Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội tâm sự: “Ngay từ khi mới vào làm việc tại trung tâm, tôi đã luôn xác định cho mình một điều, đó là phải coi các cụ, các ông, các bà ở trong trung tâm như người thân ruột thịt trong gia đình và đối đãi với các cụ bằng chính tình cảm xuất phát từ tấm lòng của bản thân mình. Nếu làm việc ở đây không xuất phát từ cái tâm thì thật sự không thể làm được những công việc như thế này”.
Trong bếp ăn của Trung tâm bao giờ cũng một cuốn sổ khổ A4 ghi rõ khẩu vị, món ăn kiêng của từng cụ. Cụ thì không ăn thịt gà, cụ lại không ăn thịt vịt, không ăn cá…, chưa kể một món thịt lợn, người thì ăn thịt luộc, người lại ăn thịt băm, thịt rang… Cơm cũng thế, nhà bếp thường xuyên nấu 2 nồi: dẻo và không dẻo để phục vụ khẩu vị riêng của từng cụ. Hàng ngày, Ban lãnh đạo Trung tâm phải xuống bếp kiểm tra, nhắc nhở. Sau bữa ăn, các cụ có phản ánh gì của phải ghi chép lại đầy đủ để điều chỉnh cho phù hợp.
“Khi các cụ bị ốm, nằm tại Trung tâm thì chúng tôi thay nhau chăm sóc không kể ngày đêm. Còn khi bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị của Trung tâm và đưa các cụ đi bệnh viện, nhân viên Trung tâm phải đi cùng, ăn ở, chăm sóc, phục vụ các cụ. Nhiều trường hợp đi viện đến vài tháng, nếu không coi các cụ các bà như ông, bà, cha, mẹ mình thì sao làm nổi”, ông Nhiêu tâm sự.
Chỉ mong ông, bà, bố, mẹ vui khỏeTrung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội tiền thân là Khu điều dưỡng thương binh nặng Hà Sơn Bình, được thành lập năm 1978, nuôi dưỡng và điều trị cho 650 người. Để thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về việc tạo điều kiện cho số thương bệnh binh nhẹ được học nghề, được chuyển ngành và phục viên, số thương bệnh binh nặng được về nuôi dưỡng tại gia đình, Trung tâm đã thực hiện tốt chính sách đưa thương binh đi học nghề, chuyển ngành và phục viên, đồng thời phối kết hợp với các địa phương, các tổ chức đoàn thể vận động và tổ chức đưa toàn bộ các thương bệnh binh nặng về nuôi dưỡng tại gia đình.
Mẹ liệt sỹ được chăm sóc chu đáo, tận tình. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN |
Kết thúc nhiệm vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng thương bệnh binh vào năm 1993, năm 1994, Trung tâm tiếp tục được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Trung tâm đã tổ chức nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ, người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tiếp nhận nuôi dưỡng thường xuyên đến khi mất. Từ năm 1994 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 111 đối tượng vào nuôi dưỡng thường xuyên. Trong quá trình nuôi dưỡng do tuổi cao, sức khỏe yếu, một số các cụ, các mẹ đã qua đời. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 55 người.
Các đối tượng đang nuôi dưỡng tại Trung tâm hiện hưởng hai mức trợ cấp hàng tháng gồm tuất một liệt sỹ và tuất liệt sĩ hưởng định xuất nuôi dưỡng. Ngoài ra, mỗi đối tượng được UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ 700.000 đồng tiền ăn/tháng. Căn cứ vào đó, Trung tâm tổ chức thực hiện chế độ ăn là 45.000 đồng/người/ngày, chia làm 3 bữa. Thực hiện ăn bệnh lý, ăn kiêng, thường xuyên thay đổi các món ăn hợp khẩu vị với người có công, phù hợp với giá cả thị trường. Duy trì việc nhập, xuất lương thực, thực phẩm tay ba; tài chính công khai hàng ngày, thanh quyết toán hàng tháng đảm bảo đúng quy định.
Các đối tượng người có công được Trung tâm chia làm 3 nhóm: Nhóm đối tượng phải phục vụ toàn phần (100%), nhóm phải phục vụ 50% và nhóm có khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân. Hiện nay, các phòng ở đã được cải tạo, sửa chữa và thay mới các trang thiết bị như tủ cá nhân có bàn thờ liệt sĩ, bàn, ghế, giường, điều hòa không khí, bình nóng lạnh… phục vụ tốt nhu cầu của người có công.
Ông Nguyễn Văn Nhiêu cho biết, người có công nuôi dưỡng tại Trung tâm được khám bệnh định kỳ 2 lần/năm và điều trị tại các bệnh viện theo chế độ bảo hiểm y tế. Khi họ qua đời, Trung tâm phối hợp với Ban phục vụ lễ tang thành phố Hà Nội và phòng lao động thương binh, xã hội các quận, huyện, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức tang lễ chu đáo, đúng nguyện vọng.
“Khi các cụ qua đời, toàn thể cán bộ, nhân viên và người có công trong Trung tâm đều đeo băng tang, thực hiện các nghi lễ như con cháu, anh em ruột thịt trong nhà. Từ giỗ đầu, giỗ nhỏ hay thay áo chúng tôi đều làm rất cẩn thận, kinh phí cũng chính từ tiền tiết kiệm của các cụ để lại. Các cụ còn sống nhìn những việc chúng tôi làm cũng thấy yên tâm về vấn đề tâm linh sau khi mất. Đó là việc làm của những người cùng một gia đình”, ông Nhiêu tâm sự.
Vào Trung tâm ngót chục năm, cụ Nguyễn Thị Thảo, 78 tuổi, quê ở thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội rưng rưng nước mắt, nhắc đi nhắc lại: “Ơn Đảng, ơn Nhà nước có chính sách đón tôi vào đây, chăm sóc tôi lúc tuổi già. Tôi đau yếu có người chăm sóc, tôi không ăn được, các anh các chị lo hơn cả con cháu lo cho mẹ”.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội còn để lại ấn tượng rất tốt trong lòng những đối tượng đến điều dưỡng hàng năm. Tính từ năm 1999 đến nay, Trung tâm đã thực hiện điều dưỡng luân phiên cho gần 38.000 lượt người. Ngoài ra, Trung tâm còn kết hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện điều dưỡng cho 88 lượt người có công của quận Gò Vấp.
“Việc làm của chúng tôi còn rất khiêm tốn, nhỏ bé, không sao sánh được với những nỗi đau, sự mất mát các cụ đã phải chịu đựng. Chỉ mong sao các ông, bà, bố mẹ sinh sống ở đây được vui, khỏe là mừng rồi. Còn với những người đến điều dưỡng, chúng tôi sẽ cố gắng sống và làm việc sao cho xứng với những câu thơ được tặng “Khi đến trung tâm tưởng về nhà/Thấy đàn con cháu chạy ùa ra/Cười cười nói nói chào đon đả/Khi xuống xe, con dắt bố, cháu dắt bà”, ông Nguyễn Văn Nhiêu chia sẻ.